'Đấu tranh ngoại giao' trong bóng đá

 Đọc tiêu đề này hẳn sẽ có nhiều người bật cười mà rằng bóng đá chỉ là môn thể thao mang tính giải trí thuần túy, có gì mà phải “đấu tranh” ngoại giao, nhưng sự thực hoàn toàn không phải như thế, khi có những trận đấu bóng đá hoặc những quyết định chỉ được đưa ra sau hàng loạt cuộc trao đổi, đàm phán, thậm chí có thể căng thẳng còn hơn một cuộc chiến trên sân cỏ.

PCT VFF Trần Quốc Tuấn và CT FIFA Gianni Infantino

PCT VFF Trần Quốc Tuấn và CT FIFA Gianni Infantino

Hãy bắt đầu câu chuyện với AFC Champions League, giải đấu cấp CLB hấp dẫn nhất châu lục và được xem là con gà đẻ trứng vàng khi giúp AFC mang về tới 70% tổng doanh thu hằng năm.

Từ mùa giải 2014, bóng đá Việt Nam cấp độ CLB mới được trở lại AFC Champions League, dù chỉ được góp mặt theo kiểu phải đấu play-off 2, 3 lượt trận, nhưng như vậy vẫn tốt hơn là bị xếp tham dự sân chơi thấp hơn tại AFC Cup như 3 năm liên tiếp, từ 2011 tới 2013. Không chỉ có bóng đá Việt Nam, bóng đá Đông Nam Á cũng phải chịu chung số phận, và thậm chí lẽ ra các đại diện Đông Nam Á còn không được tham dự AFC Champions League.

Tại châu Âu, UEFA chọn đội dự Champions League dựa vào kết quả, còn ở châu Á, AFC lại đưa ra 3 tiêu chí buộc một CLB phải thỏa mãn nếu muốn tham dự AFC Champions League.

Một là, thứ hạng quốc gia là thành viên AFC. Hai là, tiêu chí dự AFC Champions League và giấy phép của các CLB trong việc đảm bảo đủ những điều kiện tham dự sân chơi danh giá nhất châu lục.

Không chỉ có thế, theo cách phân bổ của AFC, có tới 16 suất dự AFC Champions League thuộc về nhóm các quốc gia Trung Đông, 10 suất chia cho Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Australia, còn các đội từ Đông Nam Á phải thi đấu play-off với nhau rồi sau đó có thể lại thi đấu play-off với các đại diện Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc để giành vé dự vòng bảng.

Cơ hội của Đông Nam Á ở AFC Champions League đã hạn hẹp như thế, nhưng cách đây mấy năm AFC còn định cắt hẳn suất dự AFC Champions League của các quốc gia này.

Tất nhiên, ngay lập tức một số đại diện của AFF đã lên tiếng phản đối, song tiếng nói của họ không nhận được sự ủng hộ của số đông tại cuộc họp, bởi lời phản đối này chỉ xuất phát từ một LĐBĐ QG riêng lẻ và người phát biểu cũng không đưa được ra giải pháp phù hợp để bảo vệ cho luận điểm của mình.

Trong khi đó, do đã có sự nghiên cứu kỹ càng từ trước, PCT VFF kiêm PCT AFF Trần Quốc Tuấn đã gây sốc cho cả cuộc họp bằng đề xuất đổi tên AFC Champions League thành LCL. Khi các đại biểu hỏi LCL là gì, ông Tuấn trả lời: “LCL là Limited Champions League (tạm dịch: Giải vô địch bị giới hạn – PV), chẳng phải các vị đang muốn biến AFC Champions League thành LCL của riêng Trung Đông và Đông Á hay sao? Khi một giải đấu CLB cấp châu lục mà chỉ có 9 quốc gia có đại diện được tham dự trên tổng số 47 thành viên của châu Á.

Hãy nhìn sang châu Âu mà xem, LĐBĐ QG nào dù nhỏ tới mấy thì đội bóng của họ cũng đều được tham dự Champions League từ vòng loại. Đội bóng từ các nền bóng đá nhỏ ở châu Á cũng nên được đối xử như vậy, nếu CLB không đủ điều kiện tổ chức thi đấu (sân bãi, khách sạn 5 sao) thì họ vẫn có thể nhờ tới sự giúp đỡ của LĐBĐ QG sở tại kia mà, vì nước nào mà chẳng có SVĐ QG đáp ứng theo tiêu chuẩn tổ chức vòng loại World Cup của FIFA. Ông Tuấn đề xuất hãy tạo cơ hội cho các nước đang phát triển.  Chất lượng bóng đá của cả châu lục sẽ được nâng cao khi các đội bóng nhỏ có cơ hội thử tài với những đội bóng lớn, và như thế thì Champions League mới thực sự là giải đấu dành cho các nhà vô địch.

Đề xuất của ông Tuấn đã nhận được sự tán thành của nhiều đại biểu, trong đó có không ít đại biểu đến từ những nền bóng đá hàng đầu châu lục. Nhờ thế năm đó AFC đã giữ nguyên mà không cắt suất dự AFC Champions League của khu vực nào, và đến năm sau thì cánh cửa dự giải vô địch các CLB châu lục đã mở rộng trở lại với bóng đá Đông Nam Á.

Hay như chuyện bầu các chức danh Phó Chủ tịch AFF cũng là một cuộc chiến thú vị. Tại Đại hội AFF lần thứ 14, diễn ra ngày 31/3/2007 tại Thái Lan, ngoại trừ chức Chủ tịch AFF thuộc về người Malaysia, vị trí PCT là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia còn lại, và có nhiều ý kiến đề nghị phải tranh cử chứ không chỉ định với chức danh này.

Tuy nhiên, lúc đấy với tư cách là thành viên chính thức của Hội đồng AFF, ông Tuấn đã đề xuất dành một vị trí PCT AFF cho Việt Nam vì những đóng góp của trong việc phát triển bóng đá Đông Nam Á thông qua sự ổn định thành tích đồng đều ở các sân chơi, đồng thời thể hiện trách nhiệm với khu vực và châu lục khi tích cực đăng cai các giải bóng đá do AFC và AFF tổ chức.

Và xét theo các tiêu chí này thì các đại biểu của 11 nước đều thừa nhận VFF quá xứng đáng, bởi bóng đá Việt Nam vừa có thành tích tốt ở cấp độ CLB cũng như thành công của ĐTQG ở ASIAN CUP 2007. Ngoài ra, uy tín của bóng đá  Việt Nam được khẳng định thông qua việc tổ chức thành công đăng cai các giải bóng đá khu vực và châu lục, và nhờ thế Việt Nam lần đầu tiên có vị trí PCT của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á.

Năm đó, vị trí này được VFF chỉ định ông Dương Vũ Lâm, và sau khi ông Lâm mãn nhiệm vào tháng 8 năm 2015 sau 2 nhiệm kỳ liên tiếp tại vị, chiếc ghế PCT AFF đã được luân chuyển cho ông Trần Quốc Tuấn,  điều đó đồng nghĩa bóng đá Việt Nam sẽ có ghế PCT AFF thêm ít nhất 4 năm nữa.

Hay cuối năm ngoái, bóng đá Việt Nam được một phen choáng váng khi Malaysia, chủ nhà SEA Games lần thứ 29 năm 2017, đề xuất giới hạn độ tuổi cho các cầu thủ tham dự môn bóng đá nam tại SEA Games 2017 là U21, thay vì U23 như thông lệ.

Nếu đề xuất của Malaysia được AFF thông qua, lứa cầu thủ tài năng của bóng đá Việt Nam mà chúng ta kỳ vọng sẽ giúp U23 Việt Nam thỏa cơn khát vàng SEA Games như Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Thanh, Công Phượng… sẽ phải ngồi nhà vì không nằm trong giới hạn độ tuổi U21.

Tuy nhiên, để thuyết phục được AFF bác bỏ đề xuất của Malaysia là vấn đề không hề đơn giản, bởi VFF không thể lấy lý do cần duy trì giới hạn độ tuổi U22 hoặc U23 để Xuân Trường và các cầu thủ sinh năm 1995 có cơ hội tham dự SEA Games 2017.

Lúc ấy, ông Tuấn một mặt tuyên bố nhất trí với nỗ lực hoàn thiện hệ thống thi đấu của AFF, nhưng mặt khác ông Tuấn đề nghị bất cứ sự thay đổi nào cũng cần phải có lộ trình để các nước thành viên còn có thời gian chuẩn bị và phù hợp với hệ thống thi đấu của AFC và FIFA.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng phân tích rằng trong năm 2017, AFC sẽ tổ chức vòng loại U23 châu Á (dành cho độ tuổi U22) để 1 năm sau VCK U23 châu Á sẽ lựa chọn các suất tham dự Olympic. Vì thế, nếu AFF thực hiện giới hạn độ tuổi U22 cho các đội bóng tham dự SEA Games 2017 sẽ giúp các LĐBĐ QG tiện cả đôi đường, vừa chuẩn bị lực lượng cho SEA Games mà đồng thời cũng phục vụ cho vòng loại U22 châu Á. Việc trong 1 năm thành lập đội U21 tham dự SEA Games và 1 đội U22 tham dự vòng loại U23 châu Á sẽ là một sự lãng phí, thiếu tính đồng bộ và tính liên tục trong quá trình đào tạo.

 Đề xuất này đã được số đông tuyệt đối các thành viên AFF chấp thuận trong cuộc họp diễn ra vào đầu năm 2016. 

Nguồn: TPO