Cựu đội trưởng ĐTBĐ nữ VN: Vang bóng Kim Chi

Chuyến bay ngày 1/11 chở đoàn quân của HLV Trần Vân Phát sang Quảng Châu tham dự ASIAD hẳn phải là một sự kiện nhiều ý nghĩa với Kim Chi, dẫu cho chị đã thực hiện một hành trình ngược chiều những đồng đội cũ (Kim Chi vừa từ Trung Quốc về).

Chuyến bay ngày 1/11 chở đoàn quân của HLV Trần Vân Phát sang Quảng Châu tham dự ASIAD hẳn phải là một sự kiện nhiều ý nghĩa với Kim Chi, dẫu cho chị đã thực hiện một hành trình ngược chiều những đồng đội cũ (Kim Chi vừa từ Trung Quốc về). Bởi đấy là chuyến bay đầu tiên, người ta sẽ không còn xướng tên Kim Chi trong đội hình cầu thủ mang trên đôi chân “sứ mệnh Asiad”, mà trân trọng khắc ghi hình bóng cô gái nhỏ nhắn ấy vào nỗi nhớ.

“Cái tuổi nó đuổi xuân đi”

 

Hẳn sẽ có những khoảng trống không dễ bù đắp, và sẽ có những tiếc nuối về ngày xưa cũ, nhưng trong thâm tâm, có lẽ Kim Chi thấy thanh thản nhiều. Chị vẫn cho việc chia tay ấy là một chuyện bình thường, khi “cái tuổi nó đuổi xuân đi”. “Mình già rồi, để lớp trẻ có cơ hội cống hiến” – Kim Chi thành thật. Đời cầu thủ với những thành tích khó có thể lặp lại, khi những khoảnh khắc vui buồn đã thành mãi mãi ấy, chị sẽ giữ cho riêng mình như một kỷ niệm đẹp của thời son trẻ.

Kim Chi trong trận đấu với Myanmar ở bán kết SEA Games 2009. Ảnh: Quang Nhựt

 

Mười ba năm thanh xuân lăn theo trái bóng, đã có lúc Kim Chi quyết định từ bỏ nghiệp cầu thủ để chuyển hẳn sang làm HLV cho đội trẻ TP.HCM. Nhưng cơ duyên sân cỏ đã quay trở lại níu chân chị, để rồi SEA Games 25 trên đất Lào, chúng ta chứng kiến một Kim Chi không ít lần xông xáo trên hàng công, một Kim Chi đầu quấn băng vẫn “chiến” hết mình để mang về bàn thắng. Hình ảnh ấy khi chạy trên băng ghi hình đã khiến nhiều người xúc động. Xen lẫn trong sự ngưỡng mộ và tự hào vẫn có chút gì đó xót xa khi Kim Chi cười nhắc lại: “Hôm đó thực sự mình không đau lắm đâu, đơn giản là vẫn có thể đá tiếp, nên mình đá. Mà đã đá là phải hết mình, trừ khi sức khỏe lên tiếng”.

 

Trở về từ sau SEA Games 25, sân Tao Đàn lại trở thành ngôi nhà thân thiết của Kim Chi và các đồng đội. Hiện tại, chị đang tập trung cùng đội 1 TP.HCM cho đợt tập huấn ở Trung tâm TDTT Thành Long (Bình Chánh, TP.HCM). Công việc huấn luyện đội trẻ thế là đành gác lại, nhường chỗ cho Kim Chi viết tiếp những tháng ngày không thể đẹp hơn trên sân cỏ.

 

Sau nụ cười chiến thắng

 

Có thể nói SEA Games 25 với Kim Chi là một cột mốc đáng nhớ, không chỉ bởi chiếc HCV lần thứ ba mà cô gái người Bến Tre nhận được ở đấu trường này, mà còn bởi số tiền thưởng rất lớn mà các bóng hồng sân cỏ Việt trước đó có mơ cũng không dám nghĩ đến. Nhờ số tiền đó, Kim Chi đã trả được hết số nợ mua nhà. Nhưng cũng chính lúc này, chị lại đang ở giai đoạn đếm ngược ngày từ giã sân cỏ.

 

Đúng là Kim Chi đã được ví như một biểu tượng. Nhưng với cái mốc tuổi 31, chị thực sự đã “ở dốc bên kia” của đời cầu thủ. Ẩn sau vẻ bề ngoài thanh thản và chín chắn ấy đã nhuộm những lo toan rất đỗi đời thường. Sân tập xa nhà, lại thêm những đợt tập huấn dài hạn, chị đang có ý định bán lại căn hộ chung cư ở Q.12 để chuyển đến một nơi gần hơn. Chưa lúc nào chị cảm thấy cần một nơi yên ổn cho riêng mình như lúc này. “Chẳng ai cứ đá được mãi. Mình cũng thế, phải tính về lâu về dài thôi”, chị lo lắng.

Kim Chi trong màu áo TP.HCM ở giải VĐQG nữ

Tuy nhiên, với mức lương cầu thủ hiện tại khoảng 1,5 triệu/tháng, cộng với số tiền ít ỏi kiếm được nhờ làm nhân viên văn thư của Trung tâm TDTT Q.1, những dự tính về một ngôi nhà sẽ là bài toán khó với Kim Chi. Rồi chị sẽ sống thế nào giữa một thành phố đắt đỏ nếu không còn xỏ giày ra sân, không còn những khoản tiền thưởng? Mỗi khi có ai nhắc đến và tỏ ra ái ngại cho chị là Kim Chi lại xua tay cười ngay. Tính chị từ bao giờ vẫn thế, không quá bản lĩnh đến mức gai góc, nhưng độc lập và mạnh mẽ đủ để người khác tin tưởng rằng chị sẽ làm được.

 

Và nỗi niềm khó gọi tên

 

Phải can đảm lắm mới dám hỏi Kim Chi về chuyện riêng tư. Có những nỗi niềm chông chênh khó tả trong đáy mắt người con gái ấy, xen lẫn những chờ đợi ngậm ngùi. “Mình cũng chưa biết sao nữa. Nói chung còn tùy thuộc vào nhiều phía”. Chị cười buồn cho cái sự vô định của cuộc đời mình. “Nhiều phía” ở đây không hẳn chỉ là sự sắp xếp của lãnh đạo phụ trách TDTT Q.1, nơi Kim Chi đang thuộc biên chế, mà còn là sự sắp xếp của cái “số”. Chị không hối tiếc những tháng năm dành cả tuổi xuân cho bóng đá, không hối tiếc vì đã gác lại những cuộc vui chơi, và biết đâu đấy, cả những cơ hội tìm thấy một nửa của đời mình. Nhưng là con gái, ai không có những phút giây thấy mình cần một chỗ dựa, một chốn đi về bình yên. “Anh em, bạn bè đều đã có gia đình cả. Nhiều lúc cũng tủi lắm. Nhưng mà quen rồi. Chuyện duyên số đâu phải cứ muốn là được. Chỉ thương ba mẹ và mọi người ở quê, hễ cứ thấy mặt mình là hỏi thăm chuyện chồng con”. Kim Chi cười buồn.

 

Cô gái người Bến Tre ấy không còn ở cái tuổi có thể thắp lên trong ánh mắt những hy vọng cháy bỏng về hạnh phúc. Có chăng chỉ là một cái gật đầu thừa nhận đầy chua xót: “Mình cũng biết khó lắm. Thôi thì kệ, chứ sao bây giờ”.

 

Nguồn: Theo TT&VH Online