Chuyện về CĐV Hồng Phong của SLNA

Hình ảnh một người đàn ông tay cầm chiếc loa tả xung hữu đột lao vào điểm nóng hết kêu gọi rồi lại xắn tay can ngăn khiến nhiều người nể phục.

Hình ảnh một người đàn ông tay cầm chiếc loa tả xung hữu đột lao vào điểm nóng hết kêu gọi rồi lại xắn tay can ngăn khiến nhiều người nể phục.


Anh Nguyễn Hồng Phong (đứng bên phải)- một CĐV chân chính của SLNA – ẢNH: TUẤN CƯỜNG

Chuyên gia dẹp loạn


Cùng với Lạch Tray, Cao Lãnh, Gò Đậu, Chi Lăng… sân Vinh được biết đến như một “chảo lửa” đích thực. Sự máu lửa, cuồng nhiệt luôn có thừa nhưng cứ nhắc đến sân Vinh, trong ký ức của nhiều người không tránh khỏi những nỗi ám ảnh. Đấy là những sự cố ngoài ý muốn khiến sân Vinh trở nên khét tiếng với giới mộ điệu cả nước. 

Có giai đoạn chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, sân Vinh trở thành tâm điểm, liên quan đến tình trạng CĐV loạn đả, xô xát. Đầu tiên vào tháng 4 năm 2008, sau trận SLNA gặp Thể Công, CĐV hai đội đã lao vào nhau bằng gậy gộc, gạch đá. Đặc biệt, chỉ 1 tháng sau, đến lượt khán giả thành Vinh va chạm với CĐV Xi Măng Hải Phòng. Hai sự việc đã khiến cho nhiều người “lè lưỡi” vì mức độ bạo lực, sự kinh hoàng khi những cái đầu nóng không làm chủ được hành vi của mình. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau màn tỉ thí máu lạnh đó, có một người được biết đến như một chuyên gia dẹp loạn, đó là anh Nguyễn Hồng Phong.

Có mặt trực tiếp tại hiện trường, chúng tôi mới thấy những việc anh Phong làm quý giá biết nhường nào. Ngay trước khi trận gặp Thể Công diễn ra, anh Phong là người khởi xướng cho màn giao lưu giữa hai hội CĐV. Thật không may, lúc trận đấu kết thúc một số người quá khích đã gây hấn rồi dẫn đến xô xát. Tình hình diễn ra quá nhanh và lực lượng an ninh không thể kiểm soát được tình hình, anh Phong vẫn bám trụ lại bên đường piste.

Anh phân công một số anh em trong hội CĐV SLNA vây quanh, bảo vệ cầu thủ Thể Công tránh chuyện không hay. Rồi rất nhanh, anh dùng loa kêu gọi mọi người dừng tay. Dùng lời lẽ chẳng ăn thua, anh Phong cùng vài người trong hội CĐV nghĩ ra cách lao vào từng đám người đang đánh nhau để can ngăn. 

Hiệu ứng tức thì khi các khán giả xứ Nghệ thấy gương mặt quen quen và “nể anh Phong” nên lập tức bớt hạ hỏa. Góp công một phần đáng kể vào việc vãn hồi trật tự, ngay sau đó, anh đi tìm từng người vừa bị thương, dìu đi sơ cứu. Hôm đó, nghệ sĩ Đức Trung – cựu chủ tịch hội CĐV Thể Công phải công nhận: “May có anh Phong với nhiều người bạn ở xứ Nghệ, nếu không tình hình nguy cấp hơn”. 

Thủ lĩnh của CĐV xứ Nghệ

Được xem là một những hội CĐV nức tiếng cả nước cả về quy mô lẫn độ cuồng nhiệt, nhưng lướt qua ký ức của những “cầu thủ thứ 12” xứ Nghệ, không khỏi cảm giác hụt hẫng bởi những chuyện “chẳng đâu vào đâu”. Thời điểm đầu những năm 2000, một CĐV được tín nhiệm bầu làm chủ tịch hội CĐV SLNA sau đó ôm tiền hội phí do các hội viên đóng “cao chạy xa bay”, khiến cho nhiều người mất niềm tin về nơi quy tụ tình yêu bóng đá xứ Nghệ. 

Giữa tình thế đó đã xuất hiện 2 luồng ý kiến, hoặc là giải tán hội hoặc bầu thủ lĩnh mới, gây dựng lại phong trào. Được giới thiệu và ngay lập tức nhận được sự tín nhiệm tuyệt đối, anh Phong lên làm chủ tịch với sứ mệnh khôi phục niềm tin với mọi người cũng như xây dựng hội CĐV lớn mạnh. 

Chức vị chủ tịch hội chỉ là hữu danh vô thực, tuy nhiên, bằng quan hệ cá nhân, anh Phong đi vận động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đóng góp kinh phí cho mỗi lần hội CĐV sát cánh cùng đội SLNA thi đấu. Hội CĐV tại địa phương lớn mạnh nhưng ngặt nỗi mỗi khi các cầu thủ con cưng thi đấu xa nhà không phải lúc nào cũng có thể đi cùng được. Thế là ý tưởng thành lập các chi nhánh của hội tại Hà Nội, TP HCM đi vào thực tế.

Hội viên tham gia ngày càng đông, hội trở thành chỗ dựa vững chắc cho các cầu thủ SLNA thi đấu bất kể là ở Bắc hay Nam. “Điều quan trọng nhất là tình yêu bóng đá. Mình có bao nhiêu thì bỏ bấy nhiêu, người nhà quê thì tấm lòng là chính thôi. Có thể anh là công nhân hay cán bộ, kỹ sư nhưng cứ đến sân xem SLNA thì tất cả là một”, anh Phong nhìn nhận sau khoảng thời gian làm chủ tịch hội CĐV SLNA. 

Chẳng thế mà, chỉ trong khoảng thời gian 2 năm làm chủ tịch, cứ nói đến hội CĐV SLNA, người ta lại nhắc đến anh Phong như một thủ lĩnh dám nói và dám làm.

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng

Trong bối cảnh hội CĐV SLNA đang phát triển rầm rộ, điều ít ai nghĩ đến vào đầu mùa 2009, anh Phong bất ngờ từ chức chủ tịch. Những rắc rối xung quanh việc BLĐ đội bóng SLNA “trách” hội CĐV không hoàn thành nhiệm vụ, thường xuyên để ra tình cảnh loạn đả trong suốt mùa giải 2008. Đặc biệt, sau 2 lần bị xử “treo sân”, SLNA khốn khổ phải đi thuê sân và cuối cùng BLĐ đội bóng giận luôn cả hội CĐV, không rót kinh phí, không ủng hộ hội hoạt động. 

Đó là nỗi đau khiến cho một người nổi tiếng cương trực và thẳng tính như anh Phong “chịu không nổi”. Lần vào Vinh ngồi với anh, tôi được nghe tâm sự: “Thú thực, để khán giả nhà đánh nhau với CĐV đội khách cũng có một phần trách nhiệm của chúng tôi. Nhưng sự thật những người tham gia đánh nhau không phải người của hội mà chỉ là những người đến sân xem bóng đá, quá khích, tham gia đánh nhau. Không thể đánh đồng đó là do thành viên của hội CĐV SLNA được”. 

Quyết định xin rút của anh Phong đã gây bất ngờ với tất cả hội viên và trên diễn đàn SLNA FC. NHM xứ Nghệ còn phát động một chiến dịch vận động anh Phong thay đổi ý kiến, trở lại làm chủ tịch. Như thế đủ biết, tầm ảnh hưởng và vai trò của anh lớn cỡ nào đối với hội CĐV SLNA. Nhưng anh vẫn một mực không trở lại. 

Mặc dù vậy, có một điều rất ngạc nhiên, mỗi lần SLNA thi đấu, anh bao giờ cũng là người đến sớm, tự tay treo băng-rôn cổ vũ đội nhà. Hình ảnh người đàn ông trung niên bắt nhịp cho những điệu hò xứ Nghệ trên các khán đài trở nên quen thuộc với những ai thường xem SLNA thi đấu. “Không hiểu sao mà vẫn máu mê với bóng đá, có lẽ nó ngấm vào người mình rồi. SLNA thi đấu cuối tuần nhưng từ giữa tuần đã rạo rực rồi, cứ muốn đếm thời gian thật nhanh để được đến sân”, anh Phong tâm sự.

Vâng, bóng đá với anh lúc nào cũng cuồn  cuộn chảy trong huyết quản, không thể dứt ra được!

 

Hà Lĩnh

www.bongdaplus.vn