Chuyện về "cầu thủ thứ 12": Một nốt trầm xao xuyến…

Vốn nặng lòng với bóng đá, nhưng nhà giáo Nguyễn Mạnh Hiền lại giống như một dấu lặng giữa sự cuồng nhiệt, đôi lúc hơi ngang tàng của CĐV Hải Phòng

Vốn nặng lòng với bóng đá, nhưng nhà giáo Nguyễn Mạnh Hiền lại giống như một dấu lặng giữa sự cuồng nhiệt, đôi lúc hơi ngang tàng của CĐV Hải Phòng

 

Yêu…sớm


Nếu có một thứ nghề gọi là “nghề CĐV” thì có thể nói ông Hiền “vào nghề” từ khá sớm. Ngay từ khi còn là một cậu nhóc, ông đã “có tiếng” ở sân Lạch Tray. Nhưng không phải với tư cách một cầu thủ mà là một CĐV nhí sớm yêu trái bóng tròn. Nhà ngay cạnh sân, nên không trận bóng nào được tổ chức ở đây mà ông lại vắng mặt. Tiền mua vé được cóp nhặt từ những khoản tiêu vặt người thân cho, ông không tiêu dành lại. Hiếm hoi có lúc, tiền hết mà các trận đấu vẫn cứ đều đều diễn ra, ông đánh liều… trèo tường vào sân! “Tôi vẫn nhớ cảm giác lần đầu tiên trèo tường. Run lắm! Nhưng nghĩ tới việc được tắm trong không khí bóng đá, tôi đành nhắm mắt làm liều”. Ông kể, lúc đầu, bảo vệ khi bắt được còn răn đe, nhưng lâu dần họ cũng nhẵn mặt ông và cười xòa cho qua.

Sau này, trưởng thành và trở thành bí thư của phường Lê Lợi, ông có điều kiện chia sẻ tình yêu của mình với nhiều người xung quanh. Từ “dụ dỗ”, “lôi kéo” đến tổ chức những đội CĐV – thanh niên của phường tới sân, việc gì ông cũng làm, miễn là có thể đưa được những người thực sự yêu quý “môn thể thao vua” tới sân cổ vũ cho đội nhà. Ông bảo, thời điểm ấy kinh tế còn chưa dư dả nhưng sân Lạch Tray lúc nào cũng kín mít. Hình như không phải chỉ mình ông biết “yêu sớm”.

Ông Hiền (thứ 2 từ phải sang) theo chân U23 Việt Nam tại SEA Games 25

Ảnh: Xuân Thủy

Bước ngoặt “Chiềng Mai”

Năm 1995, ông đi du học ở Thái Lan. Tình cờ, đó là năm đất nước này đăng cai SEA Games lần thứ 18. Tại sân chơi này, bóng đá Việt Nam gây tiếng vang với thành tích lần đầu tiên vượt qua vòng bảng sau 2 lần dự SEA Games. Cũng “máu” ra tận sân để cổ vũ cho đội tuyển nhưng bận học ở Bangkok nên khi ấy, ông Hiền chỉ dõi theo và ủng hộ cho thầy trò HLV Tavares qua báo đài và tivi. Tuy nhiên, khi ĐT Việt Nam gặp Myanmar ở bán kết, thì sự cuồng nhiệt lại thôi thúc, đẩy đưa ông và 4 người bạn (cũng là du học sinh) cùng với 3 Việt kiều tới tận Chiềng Mai, cách Bangkok 800km, để cổ vũ. “Khi ấy, đường đi chưa thuộc, đất nước Thái Lan với chúng tôi còn lạ lẫm lắm. Nhưng chúng tôi vẫn quyết đi bởi biết rằng sự xuất hiện của CĐV nhà trên sân Chiềng Mai lúc này có ý nghĩa với đội tuyển hơn bao giờ hết”.

 

Ông cho hay, dù lọt thỏm trên khán đài, nhưng nhóm CĐV Việt Nam với sắc cờ đỏ sao vàng quen thuộc đã thu hút được sự chú ý không chỉ của các cầu thủ Việt mà còn cả của các CĐV chủ nhà tới sân cổ vũ cho 2 đội. “Hạnh phúc nhất là khi cất lời hát quốc ca trên khán đài nước bạn. Tự hào lắm. Lúc ấy tôi mới cảm nhận hết được sự thiêng liêng khi nghĩ tới hai từ Việt Nam”. Trận ấy, ông và những người bạn đồng hành đã được đền bù xứng đáng: ĐT Việt Nam thắng Myanmar 2-1. Ông và những người bạn ôm nhau khóc, hệt như những đứa trẻ…

Ông bảo rằng, cũng vì chuyến đi Chiềng Mai ấy mà tình yêu với trái bóng của ông càng mạnh mẽ hơn. Ông hiểu sâu sắc ý nghĩa của sự ủng hộ của NHM với các cầu thủ, nhất là khi phải thi đấu ở đất khách quê người. Thế nên, sau khi về nước vào năm 1997, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bằng cách này hay cách khác, ông vẫn luôn dõi theo ủng hộ đội tuyển với tất cả nhiệt huyết của mình. “Chỉ cần thấy được lá cờ đỏ tung bay trên khán đài, thấy được những người anh em con Lạc cháu Hồng đang đốt hết đam mê cổ vũ thì dù ở đâu, các cầu thủ cũng sẽ dễ có được cảm giác như đang thi đấu trên sân nhà”, ông nói đầy chiêm nghiệm.

Cổ vũ cũng phải có văn hóa

Trong câu chuyện ngắn ngủi với ông, ngay cả khi đang ở những phút giây nhớ lại một thời sôi nổi, tôi vẫn thấy những nét ưu tư, trầm lắng của một nhà giáo tuổi ngoại lục tuần với nhiều trăn trở, ưu tư về “văn hóa cổ động”.

Ông nói, sau những giây phút ồn ào, náo nhiệt hết mình trên khán đài, không lúc nào ông không nghĩ tới “văn hóa cổ động”. Nếp nghĩ của một nhà giáo khiến ông lúc nào cũng nặng lòng với việc làm sao để tạo ra một môi trường cổ vũ chuyên nghiệp và văn minh trên đất Cảng. “Người Hải Phòng nhiệt lắm. Họ sống, cháy hết mình vì đam mê. Họ yêu thích bóng đá cũng theo cách đó: cuồng nhiệt đến mức quá khích. Nhưng đa phần là sự quá khích đáng yêu đáng quý của những người “điên với trái bóng”. Tất nhiên, vẫn có những CĐV cực đoan, tạo nên hình ảnh không đẹp về CĐV Hải Phòng, nhưng đó chỉ là số ít. Những CĐV chân chính ở đây vẫn luôn mong muốn bắt tay với tất cả mọi người, tạo nên một môi trường bóng đá lành mạnh”, ông chia sẻ.

Theo ông, báo chí đúng khi phản ánh những “hạt sạn” như thế, nhưng không đúng khi đánh đồng tất cả CĐV Hải Phòng. Đó thật sự là cách nhìn phiến diện. Bản thân ông, từng ở cương vị chủ tịch Hội CĐV Hải Phòng vẫn luôn kiên quyết với những trường hợp cực đoan như thế. Và nay, khi không còn ở cương vị ấy nữa, ông vẫn luôn chủ động vừa “phòng” vừa “tránh”, vừa lấy uy tín của mình ra “tháo ngòi nổ” cho những cái đầu quá nóng mỗi khi CĐV nhà gây hiềm khích với đội bạn…

“Khi người ta yêu, người ta có hàng nghìn cách để thể hiện tình yêu. Khi nhẹ nhàng tinh tế. Khi ấm nồng, cuồng nhiệt. Khi bay bổng đam mê. Và cũng có khi trở nên quá khích. Nhưng dù có thể hiện thế nào đi chăng nữa thì đó cũng phải là cách thể hiện đẹp. Đó mới là tình yêu đích thực. Bóng đá cũng không ngoại lệ” ông chia tay tôi bằng câu nói đầy tâm huyết.

Xuân Thủy
Báo Bóng Đá