Chuyện sau “trận đấu kỳ lạ”: Khi tình yêu thương lan tỏa…

Kể từ sau trận đấu giao hữu giữa hai đội bóng khiếm thị, câu chuyện của Phan Thị Cẩm Tú đã đến được nhiều tấm lòng. Tuy nhiên chuyện về một cô gái cần mổ mắt lại đang mở ra một câu chuyện mới: câu chuyện của tình yêu thương.

Kể từ sau trận đấu giao hữu giữa hai đội bóng khiếm thị, câu chuyện của Phan Thị Cẩm Tú đã đến được nhiều tấm lòng. Tuy nhiên chuyện về một cô gái cần mổ mắt lại đang mở ra một câu chuyện mới: câu chuyện của tình yêu thương.

Công Vinh và Cẩm Tú trong “trận đấu kỳ lạ” cuối tuần qua


Như một giấc mơ

Cẩm Tú kể: “Từ bé đến lớn, em và gia đình sống thui thủi trong gian nhà nhỏ ở Cà Mau, hầu như chẳng nhận được sự giúp đỡ nào. Có lúc, em từng nghĩ rằng có lẽ số phận của mình phải chịu cảnh nghèo túng và tăm tối. Năm 13 tuổi, em từng mong mình sáng mắt để có thể đi làm như những người bình thường. Khi ấy, em dự định để dành tiền mỗi ngày để cuối tháng gom lại, giúp những người khó khăn hơn mình. Em kể mẹ nghe ước mơ đó, mẹ cười: Sao con ước mơ chi mà xa xôi quá vậy!

Vì thế, tất cả những gì xảy đến với em trong những ngày qua cứ như một giấc mơ. Qua báo Tuổi Trẻ và các anh chị tình nguyện viên (TNV) bóng đá và cộng đồng, em mới biết mình được biết bao người giúp đỡ. Ở mái ấm Nhật Hồng, có những bạn khám mắt nhiều lần mà lần nào bác sĩ cũng bảo không thể sáng mắt được, chẳng hạn như bạn Nguyễn Thanh Sang. Vậy mà các bạn ấy sẵn sàng quên đi nỗi buồn của riêng mình để đá bóng vì em…

Em nghe kể rằng bạn TNV Nguyễn Trung Hiếu – 18 tuổi, ở Trường THPT Giồng Ông Tố, Q.2 – dù thuộc dạng… còm nhom nhưng đã cùng các anh chị TNV khác vác những tấm mút có gọng sắt để làm đường biên cho trận đấu dưới cái nắng ban trưa gay gắt. Chị Thái Thị Ngọc Liên – chủ nhiệm CLB Green Club – không chỉ ủng hộ em về vật chất mà còn thức đến 12g đêm 20-3 để chuẩn bị cho trận đấu gây quỹ.

Lại có những người hoàn toàn xa lạ như anh Giang Nam đã bỏ ra hơn mười giờ làm sản phẩm góp vào buổi bán đấu giá gây quỹ, như bác sĩ Huỳnh Tấn Phúc nhận liên hệ Viện Mắt TP.HCM, ca sĩ Long Thiên Bình sáng tác nhạc tặng em. Hai anh Hồng Sơn và Công Vinh là ngôi sao, lại sắp đá cho đội bóng của hai anh ấy nhưng vẫn dành thời gian đến giao lưu, còn hỗ trợ kinh phí cho em mổ mắt”.

Trả lời câu hỏi: Ngoài việc muốn nhìn thấy ba mẹ, Tú còn muốn làm gì khi sáng mắt nữa? Câu đầu tiên Tú trả lời là: “Em muốn ngắm mình trong gương!”. 19 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất trong đời một người con gái, Tú và những cô gái khiếm thị như mình chưa bao giờ được soi gương! Và ở câu thứ hai, Tú nói: “Em muốn làm TNV”.

Những TNV đặc biệt

Bạn Lê Thị Ánh Xuân tâm sự: “Năm 7 tuổi, khi còn ở Kiên Giang, em hay chơi với một chị bị tâm thần ở gần nhà. Chẳng ai thích chơi với chị ấy nhưng do biết nỗi buồn của những người không bình thường nên em hay chơi cùng và hái hoa dại tặng chị ấy. Em rất hạnh phúc vì mình có thể đem niềm vui đến cho người khác”.

Còn với bạn Nguyễn Thanh Sang: “Nhiều lần, em cùng các bạn ở mái ấm đi xe buýt. Khi em vừa rút thẻ dành cho người khuyết tật ra thì những người lơ xe, bán vé mắng chúng em bằng những lời lẽ rất khó nghe. Em muốn làm TNV, trước hết chỉ để nói với mọi người: điều mà những người kém may mắn như chúng em cần nhất chính là sự tôn trọng, cảm thông. Có thể mắt em không bao giờ sáng nhưng em vẫn muốn góp phần giúp cuộc đời này tươi sáng hơn”.

Rồi đây, khi tình yêu thương lan tỏa, không chỉ cuộc đời của Tú mà biết đâu sẽ còn thêm nhiều cuộc đời khác được viết lại rạng ngời hơn…