Chưa đưa cá cược bóng đá vào luật

Ban soạn thảo vẫn bảo lưu quan điểm: chưa đưa quy định về cá cược bóng đá vào trong dự án Luật Thể dục – Thể thao…

20/10/2006 00:00:00

“Chảy máu” 1 tỉ USD/năm vì cá cược bóng đá

Ngoại tệ đã Schảy⬝ ra nước ngoài rất nhiều qua các trận đấu quốc tế

Ngày 19.10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dạy nghề và Luật Thể dục – Thể thao. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có quy định dù chỉ là quy định “khung” để có cơ sở triển khai hoạt động cá cược trong thể dục, thể thao, nhất là bóng đá, nhưng Ban soạn thảo vẫn bảo lưu quan điểm: chưa đưa quy định về cá cược bóng đá vào trong dự án Luật Thể dục – Thể thao.

Lần này, Ban soạn thảo đã bỏ hẳn quy định về vấn đề cá cược trong thể thao (trước đây quy định trong điều 10). ĐB Trần Văn Nam (Bình Dương) hỏi: “Nếu ta bỏ quy định này thì hoạt động cá cược trên thực tế sẽ xử lý thế nào. Vì hiện nay đã có các hình thức cá cược như đua ngựa, đua chó… và gần đây rất phát triển dịch vụ dự đoán kết quả thể thao trên tin nhắn? Tôi biết là Ủy ban Thể dục – Thể thao đã có đề án về cá cược trong bóng đá và Bộ Tài chính cũng đã đang xây dựng đề án xổ số kiến thiết trong hoạt động thể dục thể thao để trình Chính phủ. Do đó lại càng cần có quy định để có cơ sở thực hiện”. 

ĐB Đặng Văn Xướng (Long An) đồng tình: “Đây là vấn đề dư luận xã hội rất quan tâm và đó là một vấn đề thực tế  mà đã đến lúc chúng ta phải thừa nhận, đặt ra quy định pháp luật để điều chỉnh. Nên đặt ra một quy định mang tính nguyên tắc để Chính phủ có quy định hướng dẫn cụ thể”.

“Theo tôi thì chưa nên quy định về cá cược”, ĐB Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) có ý kiến ngược lại. Ông nói: “Đúng là trên thực tế đã có các hoạt động có tính chất cá cược nhưng nếu ta đưa vào thì sẽ “đụng” Bộ luật Hình sự (Bộ luật Hình sự quy định cấm mọi hình thức cá cược – TN). Nếu ta có quy định như thế thì vừa rồi có một số vụ việc liên quan đến cá cược xử lý sẽ rất khó”. Theo ông, chỉ có thể đưa ra quy định về cá cược vào thời điểm sửa Bộ luật Hình sự.

Sau khi nghe góp ý của các ĐB, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục – Thể thao Nguyễn Danh Thái cho biết: “Cuối tháng này, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ dự thảo nghị định xổ số, vui chơi có thưởng thể dục thể thao và Ủy ban Thể dục – Thể thao sẽ trình dự thảo đề án cá cược bóng đá”. Ông thừa nhận: “Nếu chúng ta không cho phép cá cược thì nguồn kinh phí hằng năm của ta bị tuồn ra nước ngoài là rất lớn. Theo số liệu của Singapore, một năm ta mất 300-400 triệu USD tiền người trong nước gửi ra nước ngoài để cá cược bóng đá. Còn theo số liệu của Công ty điện toán quốc tế thì ta mất 1 tỉ USD/năm. Nhiều nước không coi cá cược là bất hợp pháp nên họ cũng không có thông báo cho chúng ta về việc này”.

Bộ trưởng nói tiếp: “Như dự thảo đề án thì mỗi lần cá cược ta chỉ thu 10.000-30.000 đồng thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của nhân dân mà giải quyết được nhiều vấn đề”. Thậm chí, đề án còn có cả biện pháp để “cai”  cho những người quá “nghiện ngập” cá cược bóng đá. Cũng theo Bộ trưởng Thái, đề án đưa ra mô hình công ty cá cược là công ty liên doanh. Chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc công ty là người Việt Nam, và thuê nhiều cán bộ, nhân viên điều hành người nước ngoài. Tuy nhiên, theo ông, “không phải mở ra là đã có lãi được, vì đây là hoạt động cá cược, nhiều người chơi giỏi thì có thể làm cho công ty có lúc còn bị lỗ. Hơn nữa, vốn đầu tư ban đầu cho công ty khá lớn, lên tới 70 triệu USD”. Hiện nay, Ủy ban Thể dục – Thể thao đang làm việc với Công ty Locker của Anh. Nếu liên doanh thì sau 15 năm hoạt động, toàn bộ quy trình, công nghệ điều hành công ty sẽ được chuyển giao cho Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, sở dĩ Ban soạn thảo không đưa quy định trên vào dự thảo luật vì qua tiếp thu ý kiến từ Ủy ban Thường vụ QH, các ủy ban của QH, các ĐBQH chuyên trách, tạm thời trước mắt Chính phủ sẽ ra một nghị định về cá cược bóng đá. Khi việc thực hiện nghị định có hiệu quả thì sẽ bổ sung vào Luật Thể dục – Thể thao. “Nếu đưa ngay vào thì Ban soạn thảo chúng tôi cũng thấy chưa hợp lý”, Bộ trưởng Thái kết luận.

(Theo Thanh Niên)