Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ: "Hoài bão cao thì trách nhiệm phải lớn"

Là một người rất thích triết học, ông luôn theo đuổi quan điểm, mọi việc cần phải lý giải, phát triển trên quan điểm biện chứng

Là một người rất thích triết học, ông luôn theo đuổi quan điểm, mọi việc cần phải lý giải, phát triển trên quan điểm biện chứng

Ông tâm sự: “Triết học giúp tôi luôn giữ được sự thăng bằng và đưa ra những quyết định đúng bản chất vấn đề”. Trong ngày đầu năm Tân Mão, ông đã dành cho phóng viên báo Bóng đá một buổi trò chuyện cởi mở…

 

PV:Nhân dịp đầu năm Tân Mão, báo Bóng đá xin được gửi đến Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ lời chúc sức khỏe và thành công. Chúc bóng đá Việt Nam gặt hái được thật nhiều vinh quang trong năm nay!


Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ: Xin được cảm ơn bạn. Qua đây, tôi xin được gửi lời chúc mừng Năm mới đến tập thể báo Bóng đá. Tôi mong báo Bóng đá luôn xứng đáng với vai trò là cơ quan ngôn luận của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, trở thành cầu nối giữa bóng đá nước nhà và NHM. Báo Bóng đá phải mang đến cho NHM những ấn phẩm tốt về chuyên môn, đúng về định hướng, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy, phát triển bóng đá nước nhà. Qua đây, tôi cũng gửi lời chúc sức khỏe và thành đạt đến bạn đọc gần xa của báo Bóng đá.  

 

 
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ


Thưa ông, trong những ngày đầu Xuân này, ông nghĩ gì về bóng đá Việt Nam?


Trong những ngày này, ngoài thời gian về quê, thăm họ hàng hay quần tụ bên gia đình, tôi thường nghĩ đến những sự kiện sắp tới. Điều khiến tôi nghĩ đến nhiều nhất chính là bóng đá nước nhà. Làm sao để bóng đá Việt Nam phát triển nhanh chóng, bắt kịp với các nền bóng đá tiên tiến là khát vọng cháy bỏng của tôi. Hy vọng là vậy, nung nấu là vậy, nhưng tôi cho rằng, để có được sự đột phá, chúng ta phải xây dựng được một nền bóng đá phát triển bài bản, chuyên nghiệp và có tính cạnh tranh cao. 2011 là năm mà bóng đá Việt Nam có nhiều kế hoạch lớn. Tôi hy vọng rằng trong năm nay, những người làm bóng đá nước nhà sẽ nêu cao được tinh thần trách nhiệm trước xã hội và NHM.


Trong số rất nhiều những dự định trong năm 2011, điều đầu tiên ông nghĩ đến là gì?


Như bạn đã biết, năm nay, Việt Nam chính thức tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp. Thực ra, mọi việc không đơn giản ở việc thay đổi tên gọi hay kết thúc một giai đoạn thử nghiệm. Trong khoảng 1 thập kỷ “chuyên nghiệp hóa”, bóng đá Việt Nam đã thay đổi rất nhiều.  

 

Bức tranh bóng đá năm 2011 khác rất nhiều so với 10 năm trước đây. Nó không chỉ bao hàm ở việc bóng đá Việt Nam giờ được đầu tư nhiều hơn mà còn về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động đã thay đổi về căn bản. Chúng ta đã có được những doanh nghiệp bóng đá. Đó là điều kiện Cần và Đủ để xây dựng một nền bóng đá chuyên nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục tạo ra đích chuyển đổi đối với các đội bóng hạng Nhất.
Bên cạnh đó, chúng ta phải tổ chức thành công giải V.League. Ai cũng biết, giải VĐQG là tấm gương phản ánh trung thực nhất diện mạo của nền bóng đá. Sự sinh động hay nghèo nàn của nền bóng đá sẽ được thể hiện ở V.League 2011. Tôi ước mong và đặt mục tiêu V.League 2011 sẽ diễn ra thật hấp dẫn, lành mạnh và trở thành mảnh đất màu mỡ để ươm mầm và phát triển những “hạt giống đỏ” thành tài. Mức độ hấp dẫn của V.League sẽ tác động đến việc thu hút đầu tư từ xã hội cho bóng đá. Và đó là những tiền đề giúp BĐVN xây dựng nền tảng hạ tầng tốt để cất cánh trong tương lai.

Ông đã nói đến những “hạt giống đỏ” sẽ nảy mầm ở V.League. Nhưng trên bình diện ĐTQG thì sao? LĐBĐVN có dự định gì cho các đội tuyển trẻ trong năm nay?


Năm 2010 và cả thời gian trước đó đã ghi nhận sự tiến bộ vững chắc của bóng đá trẻ Việt Nam. Các đội bóng của chúng ta liên tục gây được tiếng vang trên đấu trường quốc tế. Thành tích đó sẽ mở ra những cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của mỗi cầu thủ, đồng thời giúp các nhà quản lý đánh giá chính xác hơn về khả năng của mình để có được sự đầu tư đúng hơn.  
 
Tôi đánh giá cao nỗ lực và những đóng góp của các CLB trong công tác đào tạo trẻ. Hy vọng rằng, các CLB sẽ dành nhiều tâm huyết hơn nữa trong sự nghiệp ươm mầm tài năng. Về phần mình, LĐBĐ Việt Nam sẽ dành những điều kiện tốt nhất về tập huấn, thi đấu để giúp các đội tuyển trẻ có cơ hội rèn luyện. Chúng ta sẽ tiếp tục theo đuổi những mục tiêu đầy hoài bão trong năm mới 2011 khi tham dự các giải đấu ở khu vực và châu lục.


Năm nay chúng ta sẽ tham dự vòng loại World Cup và Thế vận hội. Mục tiêu mà LĐBĐ Việt Nam đã đặt ra cho ĐTQG và ĐT Olympic như thế nào thưa ông?


Đây đều là những sân chơi lớn, thậm chí trước đây nhiều người còn cho là quá tầm với bóng đá Việt Nam. Nhưng nay, VFF quan niệm, tham dự 2 đấu trường này là cơ hội để thể hiện sự tiến bộ và vị thế của bóng đá Việt Nam. Chúng ta đã có những kỷ niệm đẹp tại vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008. Và giờ, trước khi bước vào sân chơi lớn, LĐBĐ Việt Nam mong muốn các cầu thủ phải thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, cố gắng tiến xa nhất có thể. Nếu có được sự chuẩn bị tốt và tinh thần thi đấu tốt, tôi cho rằng vòng loại World Cup và Thế vận hội sẽ mang đến những cú hích quan trọng cho nền bóng đá và mỗi cá nhân cầu thủ.


Nhưng dù thế nào thì đấu trường quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam trong năm 2011 vẫn là SEA Games. Mục tiêu của chúng ta ở sân chơi này là gì thưa ông?


Đúng vậy! SEA Games 26 vẫn sẽ là giải đấu chính mà chúng ta phải dồn tất cả tâm huyết và sức lực. LĐBĐ Việt Nam đã đặt ra chỉ tiêu là ĐT U23 phải có mặt ở trận chung kết SEA Games 26. Đây là mục tiêu không hề đơn giản bởi ngoài đội chủ nhà Indonesia, thì chúng ta phải cạnh tranh với nhiều đối thủ mạnh. Thái Lan đang làm tất cả những gì có thể để trở lại đỉnh cao. Malaysia có sự tiến bộ nhanh chóng. Singapore sau cú sốc AFF Suzuki Cup 2010 sẽ mạnh hơn rất nhiều.
Nhưng chính điều đó buộc chúng ta phải chuẩn bị thật tốt cho SEA Games 26. Từ công tác tuyển chọn cầu thủ đến quá trình tập huấn chuẩn bị cho giải phải thật sự công phu và khoa học. Bóng đá Việt Nam đang là một thế lực ở khu vực. Thực tế đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm với vị thế và hình ảnh của mình bằng thái độ làm việc nghiêm túc nhất.


Xin cảm ơn Chủ tịch!