Chủ tịch LĐBĐ TPHCM Trần Anh Tú: Xây chắc lực lượng từ gốc

Bên cạnh những cung bậc cảm xúc của đội tuyển Việt Nam, đội tuyển U23, đội tuyển U19 quốc gia đem lại cho người hâm mộ tại các giải đấu châu lục và khu vực, bóng đá futsal trong năm qua cũng gây được tiếng vang tốt tại giải vô địch châu Á ở TPHCM cũng như chuyến thi đấu của đội tuyển tại Brazil trong những ngày cuối năm 2014. Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch LĐBĐ TPHCM (HFF), người được xem là “anh nuôi” của futsal Việt Nam, đã có những chia sẻ đầu Xuân Ất Mùi với báo giới.

Thị trưởng TP Santiago (Tây Ban Nha) phấn khích trước món quà của Chủ tịch Trần Anh Tú (bìa phải)
 
Bóng đá Việt Nam cần tính chiến lược rõ hơn
 
– PV: Với vai trò Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), ông có những tâm sự gì về bóng đá nước nhà hiện tại?
 
>> Ông TRẦN ANH TÚ: Từ sau đại hội, mọi người rất trông chờ vào sự đột phá của bóng đá Việt Nam, dù với quan điểm của tôi, rất khó tạo đột phá. Bóng đá Việt Nam hiện nay có một số chuyển biến như sự hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản, đội tuyển U19 Việt Nam đã tạo được tiếng vang tốt. Dù nòng cốt là từ Học viện HAGL, nhưng có đến 1/3 cầu thủ đến từ các CLB, trung tâm đào tạo khác. Nghĩa là công tác đào tạo trẻ đã có nhiều tiến bộ so với trước. Học viện HAGL đang có những hướng đi tốt, nhưng cũng có sự chung sức từ nhiều nơi.
 
Chuyển biến thì có, nhưng ngược lại cũng có những khó khăn. Điển hình như V-League, đến ngày bốc thăm vẫn chưa có nhà tài trợ, điều đó cho thấy chất lượng của V-League đang có vấn đề nên nhà tài trợ chưa mặn mà.
 
– Nguyên nhân là ở chiến lược hay chất lượng hiện tại?
 
Bên cạnh chất lượng, dĩ nhiên là cả chiến lược cho bóng đá Việt Nam nữa. Thời gian vừa qua chúng ta bị lúng túng nhiều trong việc định hướng. Ví dụ như lúng túng trong việc chọn HLV nội hay ngoại cho đội tuyển quốc gia dẫn đến thất bại của đội tuyển quốc gia và U23 trong thời gian vừa qua; chưa định hướng đào tạo, bồi dưỡng những nhân tố để sau này trở thành những cán bộ nòng cốt cho bóng đá Việt Nam hoặc sẽ làm HLV trưởng cho đội tuyển…
 
Vừa qua Ban chấp hành khóa VI dứt khoát chọn HLV ngoại cho đội tuyển và theo hướng hợp tác toàn diện với Nhật Bản. Điều này là hợp lý. Tuy nhiên điều quan trọng cần phải làm sớm là có quy hoạch và định hướng đào tạo nhân sự quản lý bóng đá và HLV cho các đội tuyển.
 
– Dưới góc độ của một doanh nghiệp, theo ông, đến bao giờ bóng đá đỉnh cao mới “tươi” lại, và cá nhân ông có những góp ý gì không?
 
Để xác định thời gian, tôi nghĩ rất khó trả lời. Bởi từ lâu, bóng đá chuyên nghiệp chúng ta đã dựa nhiều vào doanh nghiệp, nên những rủi ro là rất lớn ở những đội trông chờ “bầu sữa” doanh nghiệp. Tôi nghĩ một đội bóng cần nhiều nhà đầu tư để tránh bị động, hạn chế rủi ro, vì chỉ cần ông chủ CLB gặp khó khăn thì đội bóng khó tồn tại.
 
Như trường hợp ở Thanh Hóa, họ đang có hướng đi khá ổn với nhiều doanh nghiệp đầu tư chứ không lệ thuộc vào một doanh nghiệp như một số nơi khác. Ở Hà Nội T&T, nếu anh Hiển không đầu tư, đội này sẽ gặp khó khăn ngay. Hay như ở SLNA chẳng hạn, nếu như Ngân hàng Bắc Á không tài trợ thì cũng sẽ giống như Kiên Giang thôi.
 
Đội tuyển Futsal Việt Nam trong chuyến tập huấn tại Tây Ban Nha.
 
Bóng đá TPHCM đang đi đúng hướng
 
– Ở cương vị Chủ tịch HFF, nhìn lại phong trào bóng đá TPHCM trong năm qua, ông đánh giá thế nào?
 
Bóng đá TPHCM, tôi nghĩ phải xác định tập trung vào bóng đá học đường. Từ khóa V, chúng tôi tập trung vào sân chơi này bên cạnh việc duy trì một số giải chính hàng năm. Thực tế, còn rất nhiều giải phong trào khác nhưng HFF chỉ hỗ trợ về mặt chuyên môn, không đứng ra tổ chức do nhân lực của HFF không nhiều. Gốc của bóng đá trẻ chúng ta còn rất yếu, nên cần phải phát triển bóng đá học đường. Sở VH-TT và Sở GD-ĐT TPHCM vừa ký hợp đồng 5 năm phát triển bóng đá học đường, đó là thành công rất lớn của HFF.
 
– Là chủ tịch đầu tiên của HFF từ trước đến nay không “vướng bận” bóng đá đỉnh cao nhưng xem ra rất nhọc ở phong trào, ông có những suy nghĩ gì nếu bất chợt một người hâm mộ bóng đá hỏi bao giờ bóng đá TPHCM sẽ có đội chuyên nghiệp…?
 
Trước đây, các CLB hoàn toàn do các doanh nghiệp đứng ra tổ chức. HFF không có quyền quyết định sự tồn tại của các CLB đó. Khi kinh tế bị khủng hoảng, các CLB giải thể, bóng đá TPHCM đã bị xóa sổ trên đấu trường V-League. HFF khóa này đang cùng với Sở VH-TT TPHCM xây dựng lại một CLB bóng đá của TP. Bắt đầu từ đội hạng Nhì vào năm 2012. Đội bóng này cần được xây dựng bền vững và theo lộ trình, sẽ phấn đấu thăng hạng lên V-League ở mùa bóng 2016. 
 
Hiện nay chúng tôi đang đi đúng lộ trình và tin rằng sẽ thành công. Vấn đề quan trọng là đội bóng ấy phải thuộc TPHCM thì mới tồn tại lâu dài được. Cũng có ý kiến là giao CLB TPHCM cho Công ty Thái Sơn Nam, nhưng tôi đã từ chối vì tránh việc phụ thuộc vào một ông bầu.
 
Môn futsal còn nhiều khó khăn ở cấp CLB
 
– Futsal đã có một năm đáng nhớ, nhưng có điều gì làm ông chưa hài lòng?
 
Về đội tuyển, điều mà tôi hài lòng là mọi chuyện đang đi đúng hướng. Đội đang phát triển tốt về mặt chất lượng, ngày càng trẻ hóa và hiện tại đã có ¾ em được đào tạo chơi futsal từ khá lâu. Ngoài ra, có 40% cầu thủ đang ở độ tuổi 20, rất lý tưởng và đấy là những gì mà tôi hài lòng về đội tuyển.
 
Tuy nhiên, hệ thống CLB đang gặp nhiều khó khăn, sự phát triển vẫn còn phập phù lắm. Hiện tại chỉ có Thái Sơn Nam, Thái Sơn Bắc, Sanna Khánh Hòa, Sanatech Khánh Hòa và có thể kể thêm Bệnh viện An Phước Bình Thuận là có nền tảng tài chính vững chắc, còn hầu hết chỉ cố gắng tồn tại vì tài chính còn yếu. Cách tổ chức của CLB thực sự chỉ mang tính phong trào chứ chưa được chuyên nghiệp như các đội hạng Nhì hay hạng Nhất ở sân lớn hiện nay.
 
Nếu so với trước năm 2010 thì tiến bộ nhiều, nhưng tính chuyên nghiệp còn thấp. Trừ Thái Sơn Nam thực sự phát triển theo đúng tiêu chí chuyên nghiệp của AFC, còn lại tất cả vẫn chỉ mang dáng dấp của một đội bóng chứ không phải là một CLB.
 
Đẳng cấp Futsal Việt Nam ngày càng nâng cao. Ảnh: T.L.
 
– Được xem là “anh nuôi” của bóng đá futsal, đến nay ông đã có thêm những bạn đồng hành trong mục tiêu phát triển, nhân rộng bộ môn này?
 
Những người làm futsal dù không nhiều nhưng các anh em đều có tâm huyết. Tôi đã được động viên rất nhiều khi một số anh em đã nhảy vào tham gia đầu tư môn này trong thời gian qua. Tôi tin sẽ có tín hiệu tốt trong tương lai vì ngoài những đội đã nêu trên, còn có Hoàng Thư Đà Nẵng, Hải Phương Nam, Tân Hiệp Hưng cũng đang đồng hành làm futsal. Mỗi người có một quan điểm và dù số lượng ít nhưng cũng là tín hiệu tốt khi các anh em đều muốn làm lâu dài.
 
– Năm qua đánh dấu sự thành công trên diện rộng của futsal, từ việc đưa vào học đường đến việc xuất hiện ở Đại hội TDTT. Theo ông, khoảng bao lâu nữa, phong trào futsal sẽ rộng khắp?
 
Còn cần rất nhiều thời gian, nhất là khi việc xây dựng hệ thống thi đấu rất quan trọng. Sắp tới VFF sẽ tổ chức giải VĐQG futsal với 2 lượt đi- về chứ không chia bảng đá như trước đây.
 
Với riêng ở TPHCM, phong trào futsal phải nói là rất rộng. Các giải futsal đã hình thành bài bản từ lâu, giải vô địch có 8 đội và còn có thêm giải các đội mạnh TPHCM mở rộng. Rồi các giải phong trào, giải vô địch học đường…
 
Ở các địa phương thì tôi đánh giá cao Đà Nẵng khi họ đang làm rất tốt. Một năm có 2 giải truyền thống, trước đây thì họ chỉ tổ chức nội bộ nhưng gần đây giải đã được mở rộng. Nhiều tỉnh thành khác cũng có, nhưng để có tính bài bản thì chưa được ổn định.
Nguồn: SGGP