Câu chuyện bóng đá: Một phần bảy giấc mơ

Đúng 1 năm nhập học. Giấc mơ 7 năm để thành tài được rút ngắn lại và cũng là lúc người ta nhìn lại tất…

15/08/2008 00:00:00

Đúng 1 năm nhập học. Giấc mơ 7 năm để thành tài được rút ngắn lại và cũng là lúc người ta nhìn lại tất cả những gì đang diễn ra ở đây.

 

Có điều kiện gặp anh Minh – phụ trách hậu cầu cho CLB bóng đá HAGL nhiều lần, tôi nhận thấy anh rất thích nói về lứa học viên nhí của Học Viện bóng đá. cứ như thể đó là những đứa con của mình, nên anh có nhu cầu được khoe với mọi người. Anh có thể kể vanh vách về các em: nào là Tiến Hoài sôi nổi, Công Phượng, Văn Vũ, Quang Huy rụt rè, Ksor Úc ít nói nhưng hát hay…

 

Hóa ra anh Minh đảm trách tất cả những gì thuộc về hậu cầu của cái Học Viện non trẻ này. Từ chuyện mua sắm cặp, quần áo, lo giấy tờ cho các em, thậm chí, lo cả chuyện tàu xe cho phụ huynh lên thăm. tất tần tận đều qua tay anh Minh và 2 cộng sự khác. Anh say sưa kể cho chúng tôi nghe về chuyện ông chủ Đoàn Nguyên Đức của HAGL có thời gian rảnh lại lặng lẽ đến Học Viện, rồi ngồi ngẩn tò te bên đường biên xem các chú nhỏ tập luyện. “Sếp Đức mê mẩn các động tác kỹ thuật của mấy đứa”, anh Minh bật mí.

 

Có lẽ, cái sự quan tâm đặc biệt từ lãnh đạo cũng ngấm xuống tất cả thành viên của HAGL và thậm chí lan cả ra ngoài. Ai cũng thích, cũng quý lũ trẻ học đá bóng này. Một thày giáo của trường Lý Thường Kiệt – nơi dạy các em, nói rằng: “Trước đây, nghe tới việc phải dạy các cầu thủ bóng đá là chúng tôi e dè bởi các em học bóng đá hiếu động, nghịch ngợm lắm. Thế nhưng, với lứa cầu thủ trẻ của Học Viện thì mọi thứ khác hẳn: nghiêm túc, ngoan, lễ phép”.

Nơi ăn ở của các học viên Học viện HA.GL – Arsenal – Ảnh: Phan Tùng

 

Quá dễ hiểu: lịch học, làm việc của các em kín hết theo kiểu nhà binh thì làm gì có chỗ để những thói hư tật xấu bên ngoài xã hội len lỏi. Đúng 6h dậy, đánh răng rửa mặt hết 15 phút; 6h30: ăn sáng, 6h45 lên xe ôtô tới trường; 10h30 tan trường lên xe ôtô; 11h về tới đội, ăn nhẹ và ra sân tập đúng 45 phút rồi nghỉ, buổi chiều là buổi tập chính… Buổi tối thứ Hai, Bốn, Sáu học tiếng Anh còn thứ Ba, Năm, Bảy học tiếng Pháp.

 

Khoảng thời gian trống cũng được tính toán thật chi tiết để cho các em giờ đó có thể ôn bài, hoặc chơi trò chơi, sinh hoạt khác như bóng bàn, lên mạng đọc thông tin, chat… Chủ Nhật, các em được các thày dẫn đi mua sắm, dã ngoại, khám sức khoẻ định kỳ hoặc đến sân xem bóng đá. Cung cách học tập như thế chẳng trách gì việc học văn hóa của các em cũng đã đạt những kết quả rất khả quan khi tất cả đạt học sinh tiên tiến và có 6 em đạt học sinh giỏi.

 

Gần như tất cả các em đều có điện thoại di động nhưng chỉ tối thứ Bảy mới đựơc các cô bảo mẫu phát để gọi về gia đình, tối Chủ Nhật, điện thoại của các em bị thu lại. Mọi khoản sinh hoạt của các em đều đựơc đặt trong phương châm: cần gì có nấy, không để cho các em thiếu thốn điều gì và các em cũng không cần sử dụng tiền để mua sắm. Một ê-kíp hơn 10 người gồm nhân viên chăm sóc cây cảnh, bảo mẫu, lái xe, nhân viên văn phòng chỉ để quản lý chăm sóc cho 18 em học viên.

 

Chẳng thế mà khi chúng tôi hỏi thăm các phụ huynh của các em để tìm lời nhận xét về Học viện thì toàn được nghe những lời có cánh: “Chỗ ăn ở quá tuyệt vời, đúng là 1 trời 1 vực so với trường năng khiếu bóng đá của cháu trước kia. Môi trường học tập chuyên nghiệp, giờ giấc của các cháu chuẩn đến mức khi tôi đến thăm cũng phát sợ”, bác sĩ Nguyễn Văn Dung – phụ huynh của em Nguyễn Tuấn Anh ở Thái Bình nhận xét. Ông Lê Văn Trung ở Quảng Ngãi là phụ huynh của em Lê Phạm Thành Long cho biết: “Sau 1 năm, cháu trở về cao lên hẳn, tăng được 3kg, người rắn rỏi, ăn nói chững chạc, chuyên môn bóng đá tiến bộ rõ rệt. Sau khi thăm con vài lần, chúng tôi hoàn toàn yên tâm. Con đi xa cha mẹ cũng nhớ nhưng không thành vấn đề, chỉ mong cháu nỗ lực thành tài là được”.

 

Kết thúc năm học, các em được đi Thái Lan để thi đấu cọ xát trong vòng 2 tuần, kết quả thi đấu đáng khích lệ. “Tôi cam đoan chuyên môn các em còn hơn lứa U13 Đà Nẵng vừa vô địch giải quốc tế vừa qua. Nhìn các em tập đan bóng cho nhau thích lắm”, anh Minh vừa nói vừa cho chúng tôi xem lại băng ghi hình các em thi đấu ở Thái Lan.

 

Trước khi các em về nghỉ hè 1 tháng với gia đình và có 10 ngày thực sự thư giãn ở resort HAGL Quy Nhơn: chơi và nghịch với gió biển, cát trắng… mục đích: xóa bỏ mọi vương vấn về bóng đá.

Cứ nghe và ghi nhận những gì từ Học Viện này mang lại, tôi liên tưởng tới việc trồng cây cao su để thu hoạch cũng khoảng 5-7 năm. HAGL chặt vạt rừng cây cao su để lấy chỗ trồng người. Bây giờ, một phần bảy của giấc mơ lớn hơn rất nhiều lần chuyện cây cao su trôi qua thật đẹp.


Nguồn: Bóng Đá