Các đội bóng VN thưởng Tết: Động viên là chính!

Trong sự khó khăn chung của nền kinh tế, hầu hết các đội bóng Việt Nam đều thưởng Tết Kỷ Sửu ở mức… nhẹ nhàng, mang tính động viên là chính. Đã vậy, lịch tập luyện lại rất dày.

Trong sự khó khăn chung của nền kinh tế, hầu hết các đội bóng Việt Nam đều thưởng Tết Kỷ Sửu ở mức… nhẹ nhàng, mang tính động viên là chính. Đã vậy, lịch tập luyện lại rất dày.

Thông thường thì chỉ cần qua lễ ông Công ông Táo (23 tháng Chạp) là các CLB đã công bố mức thưởng Tết âm lịch cho cầu thủ. Nhưng năm nay, khá nhiều đội bóng tiến hành việc này khá muộn.


HP.HN (xanh) thưởng Tết vào loại khá nhất, còn TMN.CSG (trắng) là đội “khai xuân” sớm nhất.


Có tiếng là giàu có và quan tâm đến đời sống cầu thủ như T&T HN, nhưng đến hết ngày 20/1 (25 Tết), mức thưởng vẫn chưa được tiết lộ. Ban đầu, lãnh đạo CLB định thưởng cho mỗi người 1 tháng lương, nhưng nhận thấy cơ cấu lương quá chênh lệch nên sẽ chuyển sang phương án khác.

Cũng chưa công bố tiền thưởng, nhưng HP.HN có lẽ thuộc hàng “khá giả” trong làng bóng đá Việt Nam. Các cầu thủ HP.HN đang hy vọng có được khoản tiền thưởng “ấm” hơn năm ngoái (8 triệu là mức thưởng của tết Mậu Tý).

HN.ACB cũng chưa thấy động tĩnh gì. Điều này cũng dễ hiểu, khi đội bóng của bầu Kiên luôn “nhìn trước ngó sau” trong khâu thưởng Tết.

Một đội bóng khác cũng đang khiến các cầu thủ “thấp thỏm” là QK4. Tuy tiền thưởng Tết sẽ đến muộn và chưa được “chốt”, nhưng bù lại, lãnh đạo QK4 đã tỏ ra rất quan tâm đến gia đình cầu thủ. Nhà cầu thủ nào cũng sẽ được lãnh đội đến thăm, chúc Tết và tặng quà trị giá 500.000 đồng.

Thuộc hàng “đại gia”, nhưng Thể Công cũng chi rất khiêm tốn cho quỹ thưởng Tết. Tính ra, người được thưởng cao nhất cũng chỉ ở mức 4 triệu đồng. Đa số cầu thủ được thưởng 3 triệu, một con số khá bất ngờ so với thu nhập hàng tháng.

Dù sao thì Thể Công vẫn còn nhỉnh hơn SLNA tí chút. Do chưa thực sự ký được hợp đồng tài trợ (dù Lilama đã gật đầu) nên SLNA không rủng rỉnh hầu bao để cho “lính” ăn Tết. Mỗi cầu thủ Sông Lam sẽ chỉ được nhận từ 2 đến 2,5 triệu.

Trong sự khó khăn chung, dường như chỉ có Nam Định là “tiến bộ”. Nếu như năm ngoái, mỗi cầu thủ hạng thường chỉ nhận được hơn 1 triệu “gọi là”, thì năm nay, mức thưởng Tết đã nâng lên 4 triệu.

Với các đại gia như HA.GL, ĐKVĐ Bình Dương thì mức thưởng lần lượt là 10 triệu và 5 triệu đồng. Nhìn chung, tiền thưởng Tết của các đội bóng chủ yếu mang tính khích lệ tinh thần. Hơn thế nữa, vào đầu năm mới, các cầu thủ sẽ nhận được lì xì.

Thưởng Tết khiêm tốn, nhưng lịch tập luyện của các đội bóng nhìn chung đều dày đặc hơn các năm trước. T&T HN, như nhiều đội bóng khác, đều nghỉ ngày 28 Tết và tập trung trở lại vào ngày mùng 2. HP.HN được nghỉ thêm một ngày mùng 3 nữa.

Trong khi đó, Xi măng Hải Phòng tập luyện quên cả Tết Nguyên đán. Bù lại, HLV Alfred Riedl cho toàn đội nghỉ Tết dương lịch khá dài, và các cầu thủ cũng được thưởng 1 tháng lương – khoản tiền mơ ước đối với nhiều đội khác.

Nhưng như vậy vẫn chưa “nhiệt” bằng QK4. Thầy trò HLV Vũ Quang Bảo ăn Tết ở Thành Long, họ chỉ bắt đầu nghỉ từ chiều 30 và chơi thêm 1 ngày nữa là mùng 1 Tết. Sáng sớm mùng 2, tất cả đã lại ra sân tập bình thường.

TMN.CSG – chính thức đổi tên thành TP.HCM từ ngày 22/1, sẽ được nghỉ sớm (27 Tết). Tuy nhiên, ngày mùng 1, HLV Lư Đình Tuấn đã hội quân và trở thành đội “khai xuân” sớm nhất Việt Nam.]

Hay như các cầu thủ ngoại của HA.GL là Lee Nguyễn, Agostinho, Cesar, Evaldo cũng sẽ tập luyện… xuyên Tết cổ truyền của VN, trong khi đội chính thức trở lại tập luyện vào ngày 3 Tết.

Nguồn: Theo VNN