"Các địa phương đang từng bước chuẩn hóa hệ thống đào tạo trẻ"

Ông Trần Quốc Tuấn là người có rất nhiều trăn trở nhằm tạo cho các cầu thủ trẻ có thêm cơ hội thi đấu cọ xát, tích lũy kinh nghiệm nhiều hơn nữa. Trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Bóng Đá ngày 1/7, Tổng thư ký VFF khẳng định những cải tiến ở các giải trẻ có ý nghĩa tích cực, nhưng ông còn muốn hệ thống đào tạo trẻ được hoàn thiện hơn nữa…


PV
: Chào ông! Ông có thể cho một nhận xét tổng quan về giải đấu trẻ U17QG năm nay?


Ông Trần Quốc Tuấn
: Năm nay, số lượng trận đấu đã được tăng lên so với trước do chúng ta tổ chức theo hình thức đá vòng tròn 1 lượt, không chia nhỏ ra. Để chuẩn bị lực lượng đá vòng loại U19 năm tới của AFC, Ban Đào tạo trẻ của VFF đã cử chuyên gia xem xét và tìm kiếm VĐV ngay từ vòng loại, đặc biệt là vòng chung kết tại ở Đà Nẵng.

Ông Trần Quốc Tuấn (trái) tặng cờ cho các đội bóng tại giải U17 năm 2006 (Ảnh: Đức Anh)

Theo thời gian, dường như càng ngày các địa phương ít có truyền thống bóng đá lại càng ít có đại diện ở VCK U17QG. Năm ngoái có Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Thuận nhưng năm nay chỉ có mỗi Bình Phước. Ông nhận xét gì về điều này?

Theo chu trình đào tạo cũ của chúng ta là U15 – U18 – U21 nhưng bây giờ lại là U15 – U17 – U19 – U21. Khi mới áp dụng chu trình mới, nhiều CLB không kịp xây dựng lực lượng nên thiếu quân. Trở lại chuyện đào tạo trẻ, hiện tại, nhiều địa phương, CLB đã kịp thích nghi và xây dựng các tuyến đào tạo theo mô hình chuẩn. Chính thế mà các địa phương giàu truyền thống đào tạo trẻ như Nghệ An, Nam Định, Bình Định… đã phát huy được ưu thế của mình. Ngay như Bình Phước, theo tôi biết, cũng đang quyết tâm đầu tư vào 1 đội hạng 3 và ngay từ bây giờ, lứa trẻ này được xây dựng để làm lực lượng kế cận.

Đó cũng là lý do các đội vào VCK U17 lần này đều có đội 1 đang chơi ở V.League?

Thật ra, bóng đá chuyên nghiệp là động lực cho bóng đá trẻ phát triển. Mỗi CLB chỉ có 3 ngoại binh được ra sân và 8 nội binh thi đấu. Không ai có thể ăn “xổi” mãi bằng cách mua cầu thủ. Mua cầu thủ phải chịu nhiều rủi ro, không theo dõi được trong một thời gian dài, tiền sử chấn thương không biết, ký hợp đồng 1-2 năm vẫn mang tính bấp bênh. Chính vì vậy, yêu cầu sống còn của nhiều CLB phải là đào tạo trẻ. Đến như T&T Hà Nội mới nổi gần đây nhưng họ đã rất chú ý đến đào tạo trẻ.


Ông đánh giá tổng quát tình hình đào tạo trẻ ở các địa phương đã diễn ra theo xu hướng như thế nào?

Theo tôi, hiện nay đào tạo trẻ đang được xã hội hóa mạnh mẽ. Chúng ta có trung tâm VST mới hoạt động chừng 3 năm đã cho “ra lò” nhiều cầu thủ tốt. Các trung tâm bóng đá trẻ HAGL, Scavi Rocheteau… cũng là những mô hình rất tốt.


Tuy nhiên, cũng có một số trung tâm bóng đá như TPHCM, Đồng Tháp, thời gian vừa qua
chưa thể hiện được…?

TPHCM đang chuyển đổi và tôi tin họ sẽ vượt lên. Tất cả đều cần thời gian. Đồng Tháp gặp những khó khăn về kinh phí nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Vả lại không phải lúc nào đào tạo trẻ cũng có được những thế hệ cầu thủ giỏi, điều đó còn phụ thuộc nhiều yếu tố.


Cách đây 2 năm, ông từng băn khoăn nhiều việc làm sao cải tiến các giải trẻ để các cầu thủ có thêm cơ hội thi đấu cọ xát. Đến nay, ông có thể nói gì về những biến chuyển?

Có thể nói, chúng ta đã có giải U19QG được tổ chức theo mô hình mẫu lượt đi-lượt về. U15 – U17QG, chúng tôi cũng rất muốn tổ chức theo cách như vậy nhưng vấp phải khó khăn là các em đang độ tuổi đi học văn hóa. Chỉ có thể làm vào dịp Hè. Giải U19 – U21QG cũng đã mở rộng bằng việc mời các đối thủ quốc tế. Tôi hy vọng thời gian tới giải U17QG cũng sẽ được nâng tầm theo hướng này.


Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi

NHÀ TÀI TRỢ CÁC GIẢI QUỐC GIA