Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBTDTT Nguyễn Danh Thái: Những việc cần làm ngay để lành mạnh hóa hoạt động bóng đá nước nhà

05/01/2006 00:00:00
Sau SEA Games 23, tuy bóng đá Việt Nam (BĐVN ) đạt được thành tích thứ Nhì khu vực, song việc một số cầu thủ đội tuyển U23 liên quan tới mua bán độ tại giải đấu này đã gây nên bức xúc trong dư luận xã hội. Đây cũng là thách thức đối với những nỗ lực chung của hai ngành Công an và Thể dục thể thao (TDTT) trong việc thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực trong hoạt động TDTT. Với cương vị là người lãnh đạo ngành TDTT, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban TDTT đã có một số ý kiến trao đổi xung quanh vấn đề thực trạng, nguyên nhân của tiêu cực và những giải pháp cấp bách của ngành nhằm làm lành mạnh hóa hoạt động bóng đá nước nhà.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Nguyễn Danh Thái – Ảnh: HX

Nhìn nhận một cách khách quan, BĐVN trong những năm gần đây đã có nhiều tiến bộ. Bộ máy tổ chức của Liên đoàn BĐVN và các tổ chức thành viên ngày càng được củng cố, phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn và đã tạo ra được nhiều nhân tố mới, thúc đẩy phong trào phát triển rộng rãi. Trình độ chuyên môn và thành tích BĐVN ngày càng được nâng cao; trong hầu hết các giải thi đấu ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số tệ nạn tiêu cực như hối lộ, mua bán độ, móc ngoặc dàn xếp tỷ số, thi đấu thiếu tích cực… còn tồn tại dai dẳng hàng chục năm qua, được dư luận phát hiện, phẫn nộ, nhưng chưa được xử lý kịp thời và kiên quyết, làm kìm hãm sự phát triển của nền bóng đá nước nhà. Chỉ trong thời gian gần đây, khi Bộ Công an kiên quyết vào cuộc thì một số vụ việc tiêu cực mới dần được phát hiện và đưa ra ánh sáng.

Không thể phủ nhận, chiếc huy chương bạc mà đội tuyển bóng đá nam U23 đã đạt được tại SEA Games 23 vừa qua là một cố gắng rất lớn của ban huấn luyện và các tuyển thủ. Trong điều kiện tất cả các đội tuyển của Đoàn Thể thao Việt Nam đều thi đấu với nỗ lực rất cao để đạt được những thành tích tốt nhất tại một đấu trường vốn có nhiều khó khăn hơn là thuận lợi, thì việc đội tuyển bóng đá nam giành huy chương bạc SEA Games 23 – nhìn nhận một cách khách quan – là một kết quả đáng ghi nhận. Song cũng thật đáng tiếc, một số cầu thủ của đội tuyển U23 đã dính vào đường dây tiêu cực và bán độ. Đây là nỗi đau chung của những người làm công tác thể dục thể thao, và cũng là nỗi bức xúc của người hâm mộ thể thao cả nước.
Để xảy ra tình trạng trên, theo tôi có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan. Đầu tiên, chúng ta phải thừa nhận rằng căn bệnh thành tích đã chi phối quá sâu tới hoạt động bóng đá. Bệnh thành tích tạo nên một sức ép đối với nhiều cán bộ quản lý của các câu lạc bộ, đội bóng và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến một số hành vi móc ngoặc, mua bán, dàn xếp tỉ số. Thứ hai là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho vận động viên còn bị xem nhẹ và buông  lỏng. Chúng ta mới chỉ chú trọng tới công tác đào tạo, huấn luyện về chuyên môn, mà chưa chú ý tới giáo dục hành vi ứng xử để tạo cho cầu thủ có ý thức và tác phong chuyên nghiệp trong một môi trường chuyên nghiệp. Từ đó dẫn tới nhiều vận động viên không ý thức sâu sắc về đạo đức nghề nghiệp, dễ bị lôi kéo, tác động bởi những thế lực xấu. Thứ ba là cơ chế quản lý bóng đá, tuy đã được đổi mới, nhưng chưa thực sự mạnh mẽ, chưa theo kịp với thực tiễn phát triển của bóng đá nước nhà. Chúng ta chủ trương chuyển sang bóng đá chuyên nghiệp theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng hình thức quản lý vẫn chủ yếu là thực hiện các biện pháp hành chính, chưa tách quản lý nhà nước với tổ chức hoạt động bóng đá. Các cơ quan quản lý nhà nước vẫn trực tiếp quản lý đội bóng, dẫn tới tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Bốn là, tổ chức bộ máy của các câu lạc bộ bóng đá, công tác nhân sự trong bóng đá còn nhiều bất cập. Một bộ phận cán bộ làm công tác bóng đá yếu năng lực; cá biệt có một số cán bộ, trọng tài, huấn luyện viên sa sút về đạo đức,
Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải áp dụng những biện pháp mạnh mẽ nhằm cải tổ, chấn chỉnh toàn diện hoạt động bóng đá nước nhà, tiến tới làm lành mạnh hoá và chuyên nghiệp hoá nền bóng đá, hướng tới những mục tiêu tiến bộ, tạo nền móng cho sự phát triển trong những năm tới. Chúng ta cần phải triển khai thực hiện ngay một số việc cấp bách sau:
1.Triển khai một đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp nhằm thống nhất nhận thức về quan điểm, định hướng và các giải pháp chiến lược phát triển bóng đá trong tình hình mới. ~ từng cấp, từ Liên đoàn BĐVN đến các Sở Thể dục thể thao, các câu Lạc bộ, đội bóng cần tổ chức các sinh hoạt chính trị để thảo luận, quán triệt các quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và của ngành Thể dục thể thao liên quan tới phát triển thể dục thể thao và vận dụng cụ thể trong công tác quản lý, điều hành bóng đá; đánh giá một cách nghiêm túc, sâu sắc về thực trạng tổ chức quản lý, điều hành hoạt động bóng đá trong phạm vi trách nhiệm của từng đơn vị. Uỷ ban Thể dục thể thao và Liên đoàn BĐVN có trách nhiệm hướng dẫn việc tổ chức đợt sinh hoạt chinh trị này. Liên đoàn BĐVN và các cơ quan quản lý nhà nước cần tổng hợp ý kiến thông qua kết quả đợt sinh hoạt chính trị này để sớm nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển bóng đá từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với những mục tiêu, lộ trình và giải pháp cụ thể, trong đó đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu xây dựng một nền bóng đá “sạch”, lành mạnh và mang tính chuyên nghiệp cao, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị.
2. Tập trung chấn chỉnh về tổ chức và nhân sự quản lý, điều hành bóng đá:
Cần tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy quản lý, điều hành bóng đá, từ trung ương đến địa phương. Cụ thể, cần tập trung thực hiện những việc sau:
– Đánh giá, xem xét lại tổ chức và nhân sự của Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Liên đoàn Bóng đá các tỉnh, thành phố. Chúng ta cần đánh giá lại xem chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, từng vị trí công tác đã phù hợp chưa? Còn có sự chồng chéo hay chưa thực hiện đầy đủ chức năng giữa bộ phận này, cá nhân này với bộ phận khác, cá nhân khác? Nếu cần thiết phải tổ chức lại, bổ sung sắp xếp lại, ban chấp hành của từng liên đoàn cần mạnh dạn đổi mới. Nên kiên quyết loại bỏ những người không đủ năng lực, thiếu đức, thiếu tâm huyết với sự nghiệp bóng đá. Cũng nên loại bỏ ngay những phần tử cơ hội, hay gây mất đoàn kết, làm cản trở sự phát triển ra khỏi bộ máy. Một bộ máy đủ tầm, trong sạch, gọn nhẹ và hiệu quả là mục tiêu của việc đổi mới tổ chức. Bộ máy tổ chức và nhân sự của các câu lạc bộ, các đội bóng cũng phải được kiện toàn theo mô hình chuyên nghiệp. Chúng ta phải sớm xác định bằng được mô hình quản lý của các câu lạc bộ, các đội bóng là gì để từ đó tiến tới qui định thống nhất những tiêu chí về mặt tổ chức, quản lý, không thể để tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, mạnh ai nấy làm như hiện nay. Sáng tạo về hình thức tổ chức nhưng tuân thủ những tiêu chí quản lý thống nhất là mục tiêu của quá trình chuyển đổi tổ chức đối với các câu lạc bộ, các đội bóng đá. Trước mắt, cần tập trung chỉ đạo chuyển đổi các câu lạc bộ, đội bóng Chuyên nghiệp, hạng Nhất sang cơ chế hoạt động như một doanh nghiệp hoặc hình thức tổ chức như một doanh nghiệp, được phân định trách nhiệm rõ ràng và được tự chủ trong phạm vi trách nhiệm.
– Về mặt thể chế, chúng ta cần rà soát toàn bộ những qui định liên quan tới quản lý, điều hành hoạt động bóng đá. Những qui định nào còn chung chung, mơ hồ, không rõ ràng cần phải được bổ sung, sửa đổi. Tăng cường các biện pháp chế tài cụ thể đối với các trường hợp vi phạm và qui định rõ những việc không được làm để tạo nên một hành lang pháp lý chung cho hoạt động bóng đá. Đồng thời đẩy mạnh việc giáo dục pháp luật, phổ biến những qui định, chính sách quản lý tới tất cả các đối tượng tham gia hoạt động bóng đá, kể cả những vận động viên nhỏ tuổi nhất, tạo dựng nên một nhận thức chung: tham gia hoạt động bóng đá phải có tính chuyên nghiệp và kỷ luật cao, chấp hành tốt các qui định của một hệ thống được tổ chức chặt chẽ.
– Đổi mới và tăng cường quản lý nhà nước về bóng đá, theo hướng phân tách rõ ràng giữa chức năng quản lý nhà nước về bóng đá với việc triển khai các hoạt động sự nghiệp bóng đá; đẩy mạnh phân cấp quản lý kết hợp với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật và các qui định chuyên môn của ngành.
Đào tạo, bổ sung đội ngũ trọng tài có trình độ chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt

– Cải tổ công tác trọng tài và giám sát: lực lượng trọng tài, giám sát cần phải được tổ chức lại, kiên quyết loại bỏ những trọng tài có liên quan tới tiêu cực kể cả từ những mùa giải trước. Tập trung kiện toàn hội đồng trọng tài quốc gia và đào tạo, bổ sung đội ngũ trọng tài có trình độ chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt. Chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ trọng tài, giám sát.

– Cải tiến công tác tổ chức, điều hành các hoạt động thi đấu bóng đá, trong đó chú trọng rà soát, sửa đổi hệ thống thi đấu bóng đá quốc gia và hệ thống các văn bản như: Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp, Điều lệ, qui định liên quan tới tổ chức thi đấu… đảm bảo tính khoa học và thực tiễn.
– Đẩy mạnh công tác quảng cáo – tài trợ, các hoạt động kinh tế – dịch vụ và công tác truyền thông trong bóng đá. Tôn chỉ, mục đích hoạt động của Liên đoàn BĐVN và các tổ chức liên quan hoạt động trong lĩnh vực bóng đá cần phải được chú trọng quán triệt như một định hướng xuyên suốt trong toàn bộ quá trình hoạt động, thông qua đó từng bước nâng cao uy tín, cải thiện hình ảnh trong con mắt của người hâm mộ và các đối tác tài trợ. Liên đoàn BĐVN và các tổ chức liên quan cần củng cố ngay hoạt động của Ban thông tin tuyên truyền, Ban tiếp thị và vận động tài trợ, nâng tầm của những ban này và coi đây là những bộ phận vừa có chức năng tác nghiệp, vừa có chức năng tham mưu. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, dịch vụ để tạo nguồn cho hoạt động bóng đá, tiến tới nhà nước chỉ phải đầu tư cho đội tuyển quốc gia và một số lĩnh vực hoạt động trọng điểm. Về phía ngành Thể dục thể thao sẽ tập trung nghiên cứu để sớm trình Chính phủ đề án cá cược bóng đá hợp pháp để tạo nguồn tài chính, đồng thời góp phần ngăn chặn tệ nạn cá độ “đen” bất hợp pháp.
3. Chấn chỉnh công tác quản lý, giáo dục vận động viên:
Có nhiều dấu hiệu cho thấy sự yếu kém về trình độ văn hoá và sự sa sút, xuống cấp đạo đức của một bộ phận cầu thủ. Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng công tác đào tạo, huấn luyện chuyên môn và giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cầu thủ tuy được triển khai thường xuyên nhưng chưa hiệu quả. Cần phải tổ chức lại công tác này, theo hướng sau:
– Tiến hành điều tra thực trạng về trình độ văn hoá và đạo đức của vận động viên từ các tuyến U trở lên (Vụ Thể thao thành tích cao II – Uỷ ban Thể dục thể thao và Liên đoàn BĐVN phối hợp tổ chức hoạt động điều tra này).
Khảo sát, đánh giá về các điều kiện đảm bảo trong công tác đào tạo, giáo dục văn hoá cho vận động viên và đánh giá về năng lực quản lý, giáo dục của các huấn luyện viên từ các tuyến U trở lên và các câu lạc bộ, đội bóng đá trong toàn quốc.
– Xây dựng, ban hành các quy chế về đào tạo văn hoá, giáo dục đạo đức, tổ chức các sinh hoạt chính trị cho vận động viên. Trong đó tập trung qui định rõ những tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể và có tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ một cách nghiêm túc, không chỉ nêu ra những tiêu chí chung chung, làm cũng được mà không làm cũng được. Uỷ ban Thể dục thể thao sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trao đổi, thống nhất các biện pháp tăng cường công tác này.
– Tổ chức lại các lớp học văn hoá cho vận động viên bóng đá ở tất cả các tuyến; tạo thêm các điều kiện hướng nghiệp cho các em ngay từ nhỏ.
– Đẩy mạnh các biện pháp giáo dục đạo đức, văn hoá ứng xử cho vận động viên. Trong đó, phải tập trung giáo dục tinh thần “fair-play”, tác phong, ý thức chuyên nghiệp cho cầu thủ, kể cả việc qui định những biện pháp chế tài cần thiết. Kiên quyết loại bỏ những vận động viên có những biểu hiện thoái hoá, sai phạm về đạo đức, tác phong nghề nghiệp, như: hút thuốc lá, nghiện hút, đánh bạc ăn tiền, sống truỵ lạc, thi đấu đơn thuần vì tiền, không vì danh dự của tổ quốc, danh dự của địa phương; thiếu ý thức chấp hành kỷ luật trong sinh hoạt và tập luyện; nói năng, cư xử thiếu văn hoá, thiếu lễ độ, không chấp hành ý kiến của huấn luyện viên…. Đồng thời, loại bỏ những huấn luyện viên thiếu gương mẫu, quản lý kém.
4. Cải thiện các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với vận động viên bóng đá:
– Tiếp tục điều chỉnh, nâng cao hợp lý thu nhập của vận động viên, làm cho vận động viên yên tâm sống với nghề bóng đá. Tuy nhiên, cũng phải có biện pháp giáo dục, khuyến khích các vận động viên trẻ có thái độ tiết kiệm trong tiêu dùng.
– Tiếp tục khích lệ, động viên vận động viên thông qua cải tiến các chính sách đãi ngộ vận động viên có thành tích thi đấu tốt, như chính sách thưởng, chính sách việc làm và các chế độ đãi ngộ khác. Tuy nhiên, cần chú trọng áp dụng các biện pháp thưởng cho thích hợp, không khuyến khích vận động viên thi đấu chỉ vì tiền. Đồng thời, kiên quyết loại bỏ những cán bộ, huấn luyện viên có biểu hiện “ăn chặn” tiền thưởng của vận động viên.
5. Khẩn trương củng cố và phát triển cái “nền” của BĐVN – bóng đá trường học:
Các cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao, Liên đoàn bóng đá Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan cần tăng cường nhận thức để tập trung phát triển các hoạt động bóng đá học đường nhằm ươm mầm năng khiếu, kịp thời phát hiện và đào tạo các tài năng bóng đá cho quốc gia. Trước mắt, Liên đoàn BĐVN cần có kế hoạch phối hợp hoạt động trong các hoạt động tổng thể của Chương trình nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam, Chương trình phát triển thể dục thể thao ở cơ sở cùng những chương trình, đề án trọng điểm khác của ngành Thể dục thể thao, ngành Giáo dục và đào tạo. Các hoạt động phối hợp để đẩy mạnh phong trào bóng đá học đường cần tập trung triển khai trọng điểm trong giai đoạn từ tháng 2-2006 đến tháng 2-2007, trong đó tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch cụ thể để phát triển bóng đá trong trường học những năm tới.
Khẩn trương củng cố và phát triển cái “nền” của BĐVN – bóng đá trường học
Sự việc tiêu cực như vừa qua là bài học đau xót, song cũng là cơ hội để chúng ta thẳng thắn nhìn nhận lại và mạnh dạn thực hiện những biện pháp cải tổ, chấn chỉnh công tác quản lý điều hành hoạt động bóng đá, nhằm thực hiện mục tiêu lành mạnh hoá nền bóng đá nước nhà. Nếu không có những biện pháp mạnh mẽ và đồng bộ, chúng ta sẽ tiếp tục lúng túng và bị động đối phó với những vấn nạn, những biến tướng phức tạp trong hoạt động bóng đá, do ảnh hưởng của cơ chế thị trường. Chúng ta có thể mất đi một số cầu thủ có năng lực, một số huấn luyện viên, trọng tài, nhưng còn rất nhiều cầu thủ giỏi, còn nhiều huấn luyện viên, trọng tài giỏi. Vấn đề là làm thế nào để tuyển chọn và sử dụng người vừa có tài vừa có tâm, có đức. Chúng ta quyết tâm thực hiện một số biện pháp cải tổ kiên quyết, nhưng không xoá sạch mà làm từng bước, khâu nào yếu thì chấn chỉnh, khâu nào mạnh thì phát huy.
Tôi đề nghị Liên đoàn BĐVN và các tổ chức, cá nhân liên quan có kế hoạch, giải pháp cụ thể để chung tay chấn chỉnh hoạt động bóng đá. Tôi cũng mong các Bộ, ngành, đoàn thể trung ương, Uỷ ban nhân dân các cấp, Ban tuyên giáo các tỉnh, thành phố phối hợp cùng ngành Thể dục thể thao để thực hiện chiến dịch chấn chỉnh, lành mạnh hoá và nâng cao chất lượng các hoạt động bóng đá. Về phía ngành Thể dục thể thao sẽ tiếp tục có văn bản chỉ đạo cụ thể về việc này, đồng thời các bộ phận nghiên cứu chiến lược, giải pháp để triển khai tốt những nhiệm vụ nêu trên.