Báo cáo nghiệm thu bản thảo sách “Sơ thảo Lịch sử bóng đá Việt Nam”
Chiều nay (15/3), Ban soạn thảo VFF đã báo cáo Ban Cố vấn và Ban chỉ đạo về việc triển khai xây dựng sách “Sơ thảo Lịch sử bóng đá Việt Nam”.
Về phía Ban Cố vấn có ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch VFF, ông Dương Trung Quốc – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Ban chỉ đạo có ông Trần Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch thường trực, cùng các ông Dương Vũ Lâm, Nguyễn Lân Trung; Ban soạn thảo có: ông Lê Hoài Anh – Tổng thư ký, Trưởng ban, ông Trần Duy Ly – Phó trưởng ban thường trực, ông Phạm Ngọc Viễn – Phó trưởng ban và các uỷ viên.
Với mong muốn và quyết tâm thực hiện cuốn sách viết về lịch sử hình thành và phát triển của bóng đá Việt Nam, lãnh đạo LĐBĐVN khoá VII phối hợp với Hội khoa học lịch sử TDTT để biên soạn. Công việc triển khai từ cuối năm 2016 và sau hơn một năm thực hiện, cuốn sách “Sơ thảo lịch sử bóng đá Việt Nam” đã cơ bản hoàn tất về nội dung với độ dày khoảng 552 trang.
Ông Dương Trung Quốc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Cuốn sách “Sơ thảo Lịch sử Bóng đá Việt Nam” được trình bày công phu với 3 phần nội dung lớn và phần phụ con số, sự kiện. Đặc biệt, ông Dương Trung Quốc – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam là người chắp bút viết lời tựa cho sách. Đánh giá về cuốn sách, ông Dương Trung Quốc cho biết: “Nhìn vào nhiệm kỳ của LĐBĐVN, chúng ta có thể thấy được thành tích trên sân cỏ, với cá nhân tôi, việc xuất bản được cuốn “Sơ thảo Lịch sử bóng đá Việt Nam” là điều rất đáng ghi nhận. Dù là Sơ thảo, nhưng đây là một thành tựu hết sức quan trọng. Bóng đá Việt Nam trong lịch sử của mình cũng trải qua mọi thăng trầm gắn với số phận của đất nước. Bóng đá Việt Nam ra đời trong thời kỳ thuộc địa, tiếp nhận văn hoá của phương Tây trong đó có cuộc đấu tranh xác lập vị trí của bóng đá Việt Nam, của người Việt Nam và cũng là màu cờ sắc áo ngay trong thời kỳ đất nước còn bị đô hộ; rồi bóng đá cũng tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc như thế nào. Từng bước trải qua thăng trầm, bóng đá Việt Nam đã có những phát triển. Nhận thức lịch sử chính là động lực để thúc đẩy bóng đá Việt Nam phát triển bền vững hơn”.
Chủ tịch LĐBĐVN Lê Hùng Dũng, thành viên Ban cố vấn đánh giá cuốn “Sơ thảo Lịch sử Bóng đá Việt Nam” là một tư liệu quý để những người yêu bóng đá nước nhà có thể ngược dòng lịch sử hơn 120 năm để biết bóng đá Việt Nam hình thành từ đâu, từng bước phát triển như thế nào. “Ngay từ khi còn là dự thảo, được sự trợ giúp của Nhà sử học Dương Trung Quốc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam và các nhà chuyên môn khác đã phân chia cuốn sách thành những giai đoạn cụ thể. Tôi nghĩ đọc Lịch sử rất khô khan, nhưng khi tiếp cận cuốn dự thảo, tôi thấy lịch sử bóng đá Việt Nam hiện ra một cách sống động, hấp dẫn. Bóng đá luôn luôn phát triển, dù có những lúc thăng, lúc trầm; lúc vui, lúc buồn nhưng cuối cùng giá trị cuốn sách sẽ làm những người đọc yêu bóng đá hơn, góp phần làm cho bóng đá Việt Nam ngày càng phát triển”, Chủ tịch Lê Hùng Dũng cho biết.
Lãnh đạo LĐBĐVN chụp ảnh lưu niệm cùng Nhà sử học Dương Trung Quốc và thành viên các ban Cố vấn, Ban chỉ đạo và Ban biên soạn
Hiện nay, bản thảo sách “Sơ thảo Lịch sử Bóng đá Việt Nam” đang hoàn thiện toàn bộ nội dung trước khi chuyển giao in vào cuối tháng 3 tới. Do khuôn khổ có hạn, sự hạn chế về thời gian tổ chức biên soạn cho một công việc cần nhiều tâm và lực cũng như nguồn tư liệu nên chắc chắn cuốn sách vẫn còn những thiếu sót. LĐBĐVN rất mong sẽ nhận được sự góp ý, bổ sung tư liệu từ những người làm bóng đá, những người đam mê bóng đá cũng như bạn đọc để làm tốt hơn trong các kỳ tái bản.