Ban trọng tài VFF phổ biến tới các CLB những sửa đổi, bổ sung luật thi đấu bóng đá năm 2022 – 2023

31/03/2023 16:08:52

Ban trọng tài VFF đã có văn bản gửi tới các CLB hướng dẫn cụ thể về một số vấn đề chính yếu trong nội dung sửa đổi, bổ sung Luật bóng đá năm 2022 – 2023 của Hội đồng Luật bóng đá quốc tế (IFAB), bao gồm:

1. Việc thay thế cầu thủ dự bị.

2. Làm rõ thêm việc đánh giá lỗi dùng tay chơi bóng, để bóng chạm tay.

3. Ở luật việt vị: Làm rõ thêm việc đánh giá (xác định) tình huống cầu thủ ở vị trí việt vị có được chơi bóng hay không được chơi bóng, khi cầu thủ phòng ngự dã chủ động chơi bóng hay chỉ là một hành động mang tính bản năng.

Sau đây là những chi tiết:

Chủ đề 1 : Việc thay thế cầu thủ dự bị trong mỗi trận đấu : Trong thời gian « hậu Covid », một quy định tạm thời được ban hành, là mỗi trận đấu, mỗi đội được thay thế tối đa 5 cầu thủ dự bị ; nay, quy định này đã trở thành chính thức trong Luật thi đấu và phải được thể hiện trong văn bản Điều lệ của giải. Bao gồm :

  • Mỗi đội được phép đăng ký có thể tới tối đa 15 cầu thủ dự bị.
  • Mỗi đội được thay thế tối đa 5 cầu thủ dự bị. Số lần thay thế cầu thủ dự bị trong mỗi trận đấu của mỗi đội chỉ là 3 lần, ngoại trừ việc thay thế diễn ra trong khoảng thời gian nghỉ sau các hiệp đấu.
  • Khi 2 đội thay cầu thủ tại cùng 1 thời điểm, mỗi đội đều bị tính là đã sử dụng 1 lần thay cầu thủ.
  • Nếu thi đấu theo thể thức loại trực tiếp, có 2 hiệp phụ, thì trong thời gian thi đấu hiệp phụ, mỗi đội có thể được thay thế thêm 1 cầu thủ dự bị (cầu thủ dự bị thứ 6). Điều này phải được quy định từ trước trong Điều lệ giải, không phải là mặc định.

Chủ đề 2 : Một số vấn đề liên quan đến việc trọng tài quản lý, điều hành trận đấu :

  • Việc tung đồng xu để tiến hành một số thủ tục (như chọn đội có quyền chọn giao bóng bắt đầu trận đấu, bắt đầu hiệp phụ, chọn cầu môn để thi đá luân lưu 11m, chọn đội có quyền chọn thực hiện trước hay sau trong các loạt đá luân lưu 11m) là trách nhiệm của trọng tài, chứ không phải của bất cứ người nào khác.
  • Quy định rõ việc trong thời gian thi đá luân lưu 11m, những người của đội bóng không tham gia thi đá (bao gồm cầu thủ, cầu thủ dự bị hoặc đã bị thay thế, các quan chức đội bóng) đều có thể bị trọng tài xử lý kỷ luật bằng thẻ vàng, thẻ đỏ, nếu có vi phạm.
  • Làm rõ hơn về hình thức xử phạt đối với cầu thủ tấn công một người ngoài cuộc. Sẽ không có quả phạt đối với hành động vi phạm của cầu thủ (tấn công) người ngoài cuộc. Và nếu trọng tài dừng trận đấu để xử lý tình huống, thì:
    a. Nếu cầu thủ tự ý rời sân khi bóng trong cuộc và thực hiện hành động vi phạm đó ở ngoài sân, trọng tài sẽ phạt quả gián tiếp trên đường biên, nơi cầu thủ tự ý rời sân.
    b. Nếu hành động đó xảy ra trong sân thi đấu, trọng tài sẽ thực hiện quả thả bóng chạm đất để bắt đầu lại trận đấu.
  • Làm rõ hơn về vị trí chân của thủ môn khi bắt quả phạt đền :
    a. Khi chuẩn bị bắt quả phạt đền (sau tiếng còi cho lệnh đá của trọng tài và khi bóng chưa được đá vào cuộc), thủ môn buộc phải đứng cả 2 chân trên đường cầu môn, không được bước lên phía trước cũng như phía sau vạch cầu môn.
    b. Khi bóng đã được đá đi, thủ môn có thể có 1 chân bước lên phía trước vạch và chân còn lại đứng trên vạch hoặc lùi ra sau vạch cầu môn, đều là hợp lệ.

Chủ đề 3 : Làm rõ thêm việc đánh giá lỗi dùng tay chơi bóng, để bóng chạm tay :

  • Hiện nay có những hiểu nhầm về phần tay chạm bóng bị coi là lỗi. Nay làm rõ thêm rằng phần cánh tay chạm bóng được tính từ đáy nách, chứ không phải từ cuối ống tay áo.

Hình ảnh mô tả phần cánh tay dưới đáy nách

  • Việc cầu thủ cố tình dùng tay chơi bóng, chạm bóng, không có gì phải bàn thêm.
  • Nhấn mạnh thêm các yếu tố khi xem xét cầu thủ có bị coi là phạm lỗi khi để bóng chạm tay hay không ?
    a. Cầu thủ sẽ bị coi là phạm lỗi khi tay cầu thủ mở rộng hoặc giơ cao khi chạm bóng, khiến cho cơ thể cầu thủ to hơn, dài hơn một cách bất thường, hoặc tay chạm bóng khi không làm nhiệm vụ chống đỡ cơ thể.
    b. Cầu thủ sẽ không bị coi là phạm lỗi nếu tư thế tay lúc chạm bóng là tư thế tự nhiên khi cầu thủ vận động, di chuyển hay chống đất (về phía đất) để bảo vệ cơ thể khi ngã hoặc khi chống đất để đứng dậy sau khi ngã.
  • Một số trường hợp đặc biệt được coi là « tai nạn » nên cầu thủ không bị coi là phạm lỗi khi tay chạm bóng :
    a. Cầu thủ đã chơi bóng bằng bộ phận hợp lệ, rồi bóng nảy sang tay một cách mất kiểm soát.
    b. Cầu thủ đang mở rộng tay, bất ngờ bị đồng đội đá bóng trúng tay.

Quy định rõ thêm việc cầu thủ để bóng chạm tay trước khi ghi bàn, bàn thắng sẽ không được công nhận và cầu thủ sẽ bị phạt vì lỗi tay chạm bóng:

  • Cầu thủ để bóng chạm tay một cách không cố ý ngay trước khi bóng vào cầu môn đối phương
  • Cầu thủ để bóng chạm tay một cách không cố ý rồi ngay lập tức ghi bàn vào cầu môn đối phương,
  • Phân biệt với trường hợp sau khi bóng chạm tay không cố ý, tư thế tay không bị coi là phạm lỗi như đã nêu ở trên, nhưng không phải là ghi bàn ngay lập tức, thì bàn thắng vẫn được công nhận.

Chủ đề 4 : Làm rõ thêm việc đánh giá tình huống cầu thủ ở vị trí việt vị có được chơi bóng hay không được chơi bóng sau khi bóng chạm một cầu thủ phòng ngự đội đối phương .

  • Từ năm 2014, có quy định rằng cầu thủ ở vị trí việt vị bị coi là được hưởng lợi (tức là sẽ bị phạt việt vị) nếu từ đường chuyền, cú chạm bóng của đồng đội mà bóng đã bật lại, chuyển hướng từ cầu thủ phòng ngự của đội đối phương hay từ khung thành. Còn nếu cầu thủ phòng ngự đội đối phương đã chơi bóng nhưng bóng không đi theo ý muốn mà lại tới cầu thủ tấn công ở vị trí việt vị thì cầu thủ tấn công đó được chơi bóng mà không bị phạt việt vị.
  • Chính khái niệm « cầu thủ phòng ngự đã chơi bóng » đã dẫn tới những sự hiểu và vận dụng khó thống nhất. Nay, Hội đồng Luật bóng đá quốc tế nêu những yếu tố xem xét cụ thể hơn về việc cầu thủ phòng ngự đón bóng, xử lý bóng như thế nào thì bị coi là đã chủ động chơi bóng, và thế nào thì được coi là chưa chơi bóng, chỉ bị chạm, bật. Đó là, khi cầu thủ chủ động kiểm soát bóng và có khả năng:
    a. Chuyền cho đồng đội, hoặc
    b. Không chế bóng, hoặc
    c. Đá bóng đi
  • Những nhận biết, phân tích dựa trên các yếu tố »
    a. KHOẢNG CÁCH di chuyển của bóng và cầu thủ nhìn rõ bóng
    b. TỐC ĐỘ di chuyển của bóng
    c. PHẢN ỨNG của cầu thủ, không phải chỉ là hành động theo bản năng
    d. Bóng di chuyển TRÊN MẶT ĐẤT, thường dễ kiểm soát hơn trên không
  • Sau đây là một số ví dụ minh họa:
    a. Cầu thủ tấn công ở vị trí việt vị nhận bóng sau khi bóng đã được chủ động chơi bởi một cầu thủ phòng ngự, thì sẽ được chơi bóng mà không bị phạt việt vị.
    b. Cầu thủ tấn công ở vị trí việt vị nhận bóng sau khi bóng đã chạm một cầu thủ phòng ngự, nhưng cầu thủ phòng ngự đó chưa bị coi là đã chủ động chơi bóng, thì cầu thủ tấn công ở vị trí việt vị sẽ bị phạt việt vị.