Arsenal JMG: “Nội chiến” 7 học viện
Mang tiếng “gà cùng một mẹ” nhưng cả 7 học viện Arsenal JMG toàn cầu, trong đó có Arsenal Hoàng Anh Gia Lai, luôn ganh đua nhau từng ngày để khẳng định chất lượng đào tạo.
Mang tiếng “gà cùng một mẹ” nhưng cả 7 học viện Arsenal JMG toàn cầu, trong đó có Arsenal Hoàng Anh Gia Lai, luôn ganh đua nhau từng ngày để khẳng định chất lượng đào tạo.
HLV Eric Decroix của Arsenal Thái Lan (áo trắng) mổ xẻ thất bại sau khi các học trò tỏ ra yếu thế hơn so với học viên Arsenal HAGL |
Trong 5 năm đầu ở học viện, các cầu thủ nhí Arsenal Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sẽ được bố trí thi đấu bằng chân trần ở đủ 6 học viện Arsenal khác trên thế giới, gồm: Thái Lan (đã đi), Ai Cập, Bờ Biển Ngà, Madagascar, Ghana và Hy Lạp. Đó là chương trình bắt buộc mà phía JMG quy định cho tất cả 7 thành viên – trong tương lai sẽ là 8 khi Arsenal mở thêm một “lò” nữa ở Trung Quốc. Mục đích của việc này là tạo tính cạnh tranh giữa các học viện để Arsenal “mẹ” có thể dễ dàng lọc ra những cá nhân xuất sắc đưa về Anh chơi bóng.
Người Thái kiêng dè
Vinh dự được Arsenal chọn làm đối tác mở học viện đầu tiên tại châu Á, Thái Lan trở thành mục tiêu quan tâm của nhiều cường quốc về bóng đá trong khu vực. Lứa học viên đầu tiên của Thái được tuyển chọn ở độ tuổi 13-14 đã chứng tỏ sự trưởng thành vượt bậc chỉ sau một năm nhập học. Các cầu thủ nhí khóa thứ nhất này dễ dàng đè bẹp tuyển U17 quốc gia Thái Lan đến 12-0 trong một trận giao hữu. Báo chí nước này không tiếc lời ca ngợi lứa học viên đầu tiên đó; đồng thời cho rằng các em sẽ là lực lượng nòng cốt giúp người Thái thực hiện tham vọng bá chủ bóng đá châu Á cũng như kế hoạch giành quyền tham dự VCK World Cup 2016. Trong chuyến tập huấn 2 tháng ở Anh giữa năm 2007, các cầu thủ khóa I của Arsenal Thái Lan tiếp tục gây được sự chú ý với tổng hành dinh JMG. Một số thành viên xuất sắc nhất đã được giữ lại để cho thử lửa thêm cùng các học viên khác ở học viện “mẹ”.
Chơi điện tử cũng tranh đua Ngoài đá bóng, các học viên Arsenal HAGL và Thái Lan còn tranh thủ giao lưu với nhau bằng thi đấu trò chơi điện tử FIFA 2007. Các học viên nhí tự chọn cho mình một đội bóng yêu thích, như Arsenal, Real Madrid, Barcelona hay Manchester United, rồi chia phe ra thi đấu. Xuân Trường, cậu nhóc chơi điện tử hay nhất học viện JMG Arsenal HAGL, được các đồng đội tín nhiệm cử ra đấu giao hữu với Pasim, cầu thủ gốc Bờ Biển Ngà của học viện Arsenal Thái Lan. Trong tiếng reo hò cổ vũ của các học viên, Arsenal của Xuân Trường thắng Barcelona của Pasim 3-2 ở hiệp phụ. |
Lẫy lừng là thế, song sau khi “bầu” Đức đưa được Arsenal đến VN và phối hợp mở học viện Arsenal HAGL tại Hàm Rồng, người Thái bắt đầu phải kiêng dè. Khác đôi chút với Thái Lan, JMG yêu cầu đối tác HAGL tuyển sinh lứa cầu thủ tuổi từ 11-12, sao cho vừa phù hợp với quy trình đào tạo tuyển trẻ của bóng đá VN, vừa ngang bằng về tuổi tác với khóa tuyển sinh thứ hai của Arsenal Thái Lan – vốn cũng diễn ra từ tháng 7 đến tháng 9-2007. Sự xuất hiện thêm một học viện Arsenal khác ngay gần bên tuy dễ dàng hơn cho Arsenal Thái Lan trong việc trao đổi kinh nghiệm tập luyện nhưng cũng khiến người Thái không còn quá tự mãn với quyền “độc bá” thương hiệu Arsenal tại châu Á.
Cạnh tranh ngầm
So sánh giữa hai đại bản doanh của học viện Arsenal Thái Lan và HAGL, HLV trưởng Arsenal Thái Lan Eric Decroix thừa nhận cơ sở vật chất của Trung tâm Thể thao Hàm Rồng khang trang và thoáng mát hơn hẳn học viện của người Thái đặt ở tỉnh Chonburi. Điều này đã được chính các thành viên nhí ở hai học viện kiểm chứng trong chương trình du đấu qua lại với nhau. Aboubalar Dumbai, một trong 5 cầu thủ nhí gốc Bờ Biển Ngà được bổ sung cho khóa tuyển sinh thứ hai của Arsenal Thái Lan, tâm sự: “Ở Gia Lai mát lắm, không nóng như bên kia (Chonburi). Không khí ở đây cũng vui nhộn hơn, các bạn VN thật hòa đồng!”.
Trái với sự háo hức của các cậu nhóc Thái Lan và Bờ Biển Ngà mỗi khi được gặp gỡ, giao lưu với các bạn VN, những thành viên trong ban huấn luyện mỗi học viện luôn có sự cạnh tranh ngầm để chứng tỏ công tác đào tạo của họ là tốt hơn. Sau khi Arsenal Thái Lan thua U13 Phú Yên 4-5 trong trận giao hữu chiều 13-10 trước sự chứng kiến của các học viên Arsenal HAGL, HLV của Arsenal Thái Lan Eric Decroix đã dành hơn 10 phút để mổ xẻ thất bại ngay trước mặt giám đốc toàn cầu JMG Jean Marc Guillou, cũng như HLV Graechen Guillaume của Arsenal HAGL. Theo quy định của JMG, HLV không bao giờ được la mắng các học viên, vì thế, lời trách móc “tôi không muốn thấy một trận thua như thế nữa” của HLV Decroix tuy nhẹ nhàng nhưng cũng lý giải ông sợ mất mặt trước người đồng nhiệm bên phía Arsenal HAGL – đội sau đó đè bẹp U13 Phú Yên đến 11-1.
So kè từng báo cáo tuần
Nhiều khả năng trong năm 2009, Trung Quốc sẽ trở thành nước thứ 3 ở khu vực châu Á và là thứ 8 trên thế giới hợp tác với JMG để mở học viện Arsenal. Từ đây, dự báo tính cạnh tranh, ganh đua giữa các học viện để cố gắng đánh bóng tên tuổi, hình ảnh của quốc gia mình trước những nhà tuyển trạch lừng danh của Arsenal sẽ còn khốc liệt hơn nữa. Điều này được minh chứng qua công việc hằng tuần của các HLV ở 7 học viện, không chỉ gửi các báo cáo tuần về sự tiến bộ của từng học viên, họ còn đề nghị phía JMG “mẹ” gửi lại những báo cáo tuần của những học viện khác để so sánh.
Trong máy tính xách tay của các nhà tuyển trạch Arsenal, những cái tên như Nguyễn Lam, Ksor Úc, Quốc Nhật, Thành Long… luôn được mang ra so sánh với hàng trăm học viên Arsenal khác trên toàn thế giới, để nếu thấy vượt trội sẽ lập tức được đặc cách đưa đến JMG “mẹ” tập luyện khi đạt 16 tuổi. Dĩ nhiên khi JMG cho đăng tên những học viên giỏi nhất của từng nơi để các nơi khác phải nỗ lực khẳng định mình hơn thì Arsenal trở thành người được hưởng lợi nhiều nhất.