Thể Công có thể tái sinh
“Truyền nhân” của đội bóng áo lính – Trung tâm thể thao Viettel cân nhắc xin Bộ Quốc phòng giao lại thương hiệu nổi tiếng Thể Công, một khi lứa cầu thủ của lò đào tạo này đạt độ chín.
Quân chín mới khoác tên Thể Công
Sau cuộc chuyển giao cho Thanh Hóa cuối mùa 2009, thương hiệu Thể Công đã bị cất đi trong sự tiếc nuối của những CĐV đội bóng áo lính. Nhiều chiến dịch vận động để làm tái sinh cái tên Thể Công đã được những CĐV ruột của đội bóng này thực hiện. Tuy nhiên, trả lời VietNamNet, Giám đốc Trung tâm thể thao Viettel Vũ Tam Hòa cho biết, Viettel- truyền nhân của đội bóng áo lính – chỉ cân nhắc xin Bộ Quốc phòng giao lại thương hiệu Thể Công trong thời điểm thật sự thích hợp.
Ông Vũ Tam Hòa nói: “Thể Công là cái tên rất thiêng liêng không chỉ với người hâm mộ. Việc không sử dụng cái tên Thể Công sau cuộc chuyển giao đội bóng cho Thanh Hóa là có lý do riêng. CĐV mong mỏi cái tên Thể Công được tái sinh và chính chúng tôi cũng có chung suy nghĩ như vậy. Tuy nhiên, đây chưa phải thời điểm thích hợp làm tái sinh thương hiệu Thể Công. Một khi lứa cầu thủ của lò Viettel đào tạo đạt độ chín, đủ sức gánh vác và làm rạng ngời thêm truyền thống, chúng tôi sẽ cân nhắc xin Bộ Quốc phòng giao lại thương hiệu Thể Công. Quyền quyết định tái sinh thương hiệu này hay không là thẩm quyền của Bộ Quốc phòng”.
Trong mùa bóng 2016, Viettel đã xuất hiện ở giải hạng Nhất, nhưng lãnh đạo đội bóng này tuyên bố không đốt cháy giai đoạn. Ông Vũ Tam Hòa khẳng định, Viettel chưa đặt mục tiêu thăng hạng V-League. Thay vào đó, truyền nhân đội bóng áo lính xây dựng lối chơi có bản sắc, cống hiến. Viettel đưa ra mục tiêu trở lại V-League từ mùa 2018-2019, thậm chí chấp nhận chờ cho lứa cầu thủ do chính họ đào tạo đạt độ chín để giành vé chơi V-League ở mùa 2020.
M.U, Dortmund cũng phải… xếp hàng
Tham vọng của Viettel là sử dụng cây nhà lá vườn, chứ không vung tiền mua cầu thủ, dù tiềm lực tài chính của họ có đủ. Thế cho nên, “lò” đào tạo này tuyên bố, họ đang kiện toàn, định hướng lại về mọi mặt hệ thống đào tạo. Đầu tháng 3, Viettel lần lượt đón và đàm phán với 2 “ông lớn” nổi tiếng thế giới là Manchester United và Borussia Dortmund.
Bùi Tiến Dũng (đỏ) – một trong những sản phẩm “chất lượng cao” của Viettel
“Thực ra chúng tôi đã tiếp xúc và đàm phán với M.U, Dortmund nhiều rồi, chứ không phải đợi đến cuộc làm việc vào tháng 3 tới”, ông Vũ Tam Hòa hé lộ, “Trước đó, Viettel có làm việc với Feyenoord, Man City. Những đội bóng lớn này đều muốn nhượng lại công nghệ đào tạo trẻ một cách nhanh nhất cho Viettel. Nhưng chúng tôi chưa chọn hợp tác với ông lớn nào cả, vì phải cân nhắc thật chính xác cái gì phù hợp và tốt nhất để Viettel đạt đúng mục tiêu. Bây giờ cứ phải để cho HLV Việt Nam làm đã, ai giỏi nhất sẽ tạo điều kiện huấn luyện và chờ thẩm định rồi mới tính đến mua công nghệ đào tạo của nước ngoài. Cầu thủ lò Viettel đào tạo phải tốt cả chuyên môn lẫn văn hóa”.
Trong định hướng chiến lược, “lò” Viettel đặt mục sưu tập trọn bộ 5 giải trẻ của bóng đá Việt Nam, đóng góp ít nhất 30% cầu thủ ở đội tuyển quốc gia. Quan trọng nhất, truyền nhân Thể Công muốn lọt vào top các CLB mạnh châu Á và có khoảng 3 vạn CĐV “ruột” trên toàn quốc.