Quỹ đầu tư và phát triển bóng đá Việt Nam ( PVF): Lò "siêu thầy"
PVF do tập đoàn Vin Group (với các thương hiệu như Vincom, Vinpearl Nha Trang, Đà Nẵng…) tài trợ chính. Các học viên của PVF khi được tuyển chọn vào trung tâm sẽ được lo ăn ở, đào tạo bóng đá và học văn hóa (chính quy), ngoài ra mỗi tháng còn có 500.000 đồng tiêu vặt.
GĐĐH Nguyễn Xuân Nam cho biết: “Chúng tôi chia làm 2 giai đoạn huấn luyện. Giai đoạn huấn luyện cơ bản sẽ thực hiện tại trung tâm và kéo dài đến năm 18 tuổi. Sau đó, những cầu thủ không đạt tiêu chuẩn nâng cao sẽ được chúng tôi chuyển nhượng với chi phí rất thấp, thậm chí là tặng không cho những địa phương chân rết đã giúp chúng tôi trong tuyển chọn. Giai đoạn huấn luyện đỉnh cao từ 19 đến 22 tuổi, giai đoạn này chúng tôi sẽ liên lạc để gửi các cầu thủ vào thi đấu cọ xát ở các CLB trong cả nước. Sau đó sẽ chuyển nhượng các em từ tuổi 22 trở đi. Do đây là tổ chức phi lợi nhuận, nên giá chuyển nhượng của chúng tôi sẽ rất vừa phải, với chất lượng cầu thủ cao”.
Là một trong những HLV đầu tiên của PVF, cựu tuyển thủ Trần Minh Chiến tâm sự: “Tôi rất vui khi PVF ngày càng hội tụ rất nhiều tên tuổi một thời để huấn luyện cho các năng khiếu bóng đá Việt Nam. Đôi lúc tôi có cảm giác, chúng tôi là những người thợ điêu khắc, nên phải cố làm sao để tạc ra những sản phẩm đẹp nhất cho bóng đá nước nhà trong tương lai. Và tôi tin chúng tôi sẽ làm được điều ấy”.
Riêng trong năm 2012, PVF giành 3 chức vô địch ở giải U10, U13, U15.
Nơi của những “hảo hán“!Đến thăm lò đào tạo PVF (tên viết tắt bằng tiếng Anh của Quỹ đầu tư và phát triển bóng đá Việt Nam) đặt tại trung tâm bóng đá Thành Long, tôi không khỏi bất ngờ và thích thú khi gặp lại rất nhiều gương mặt lừng lẫy một thời của bóng đá Việt Nam như danh thủ Trần Minh Chiến, Nguyễn Phúc Nguyên Chương, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Hữu Đang, Võ Hoàng Bửu, Hứa Hiền Vinh, Châu Trí Cường… đang huấn luyện cho các cầu thủ nhí ở đây. Nhìn ánh mắt ngạc nhiên của tôi, anh Nguyễn Xuân Nam – Giám đốc điều hành PVF bật cười: “Một trong những tiêu chí hàng đầu của chúng tôi khi chọn thầy là mời các cựu tuyển thủ quốc gia. Ngoài ra, họ phải yêu thích trẻ con và đam mê với công việc đào tạo trẻ”.HLV Hứa Hiền Vinh và Giang Thành Thông đang chỉ dẫn kĩ thuật trong một buổi tập |
Ngược lại, các cựu tuyển thủ như Mạnh Cường (Thể Công), Hữu Đang (Khánh Hòa)… chấp nhận xa nhà để vào TP.HCM huấn luyện là bởi: “Ở đây biết quý trọng tài năng cùng điều kiện làm việc rất tốt, khiến chúng tôi có thể phát huy hết năng lực”. Có lẽ thế, nên cách đây vài tuần, HLV Nguyễn Hữu Đang đã đưa vợ con từ Nha Trang vào TP.HCM như một cách khẳng định sẽ làm việc và cống hiến lâu dài ở lò đào tạo này. Trong khi đó, HLV Võ Hoàng Bửu cho biết: “Từng làm huấn luyện ở các đội bóng lớn như V-League, giờ làm bóng đá trẻ tôi cảm thấy rất nhẹ nhàng và cuộc sống vui vẻ hơn, chứ không áp lực và căng thẳng như trước”.
Ngoài ra, đây cũng là chốn dung thân và mưu sinh của các cựu danh thủ một thời như Phan Thế Hiếu và những đồng đội trong thời buổi bóng đá khủng hoảng như hiện nay. Sau những ngày đầu làm việc ở PVF, Thế Hiếu đã không nén được niềm vui khi bày tỏ: “Ở đây tôi được tạo điều kiện rất tốt để có thể làm đúng sở trường đào tạo trẻ. Đồng thời, huấn luyện các cháu nhỏ cũng là cách giúp tôi vơi đi nỗi nhớ vợ và hai con nhỏ đang ở quê nhà, trong đó thằng con lớn của tôi cũng đang tập trong đội năng khiếu Nam Định”…
Tham vọng của những người một thời!
Hiện nay, dư luận đang tập trung sự chú ý và thường ca ngợi mô hình của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG tại Pleiku, khiến các danh thủ bóng đá đang huấn luyện ở PVF cảm thấy có chút tự ái. Thế nên, tất cả đang cố gắng xây dựng một lò đào tạo trẻ thuần Việt cho nước nhà, và đó cũng là cách cạnh tranh lành mạnh nhằm thúc đẩy bóng đá Việt Nam tiến lên trong tương lai.Từ khóa đầu tiên khai giảng năm 2009 với 50 học viên sinh năm 1997-1998, đến nay PVF đã có đến 158 học sinh với 7 lớp, nhỏ nhất sinh năm 2003, được tuyển chọn trên cả nước. Hiện HLV kỳ cựu Trần Minh Chiến là người đứng lớp “già” nhất với các học viên sinh năm 1997, đây cũng là những cầu thủ từng đoạt giải vô địch U15 toàn quốc năm 2012.
Anh Nguyễn Xuân Nam không giấu được tự hào khi bày tỏ: “Hiện nay, dù cơ sở vật chất chúng tôi vẫn phải thuê ở trung tâm Thành Long, nhưng điều kiện ăn ở, học tập và rèn luyện của các cầu thủ PVF bảo đảm không thua hề thua kém Học viện HA.GL!”. Có mặt tham quan nơi ăn ở, học tập và giải trí của các cầu thủ nhí ở đây, chúng tôi có cảm giác nó chẳng khác mấy so với Học viện HA.GL – Arsenal của bầu Đức. Thậm chí còn có vẻ gần gũi hơn, khi các học viên ở TP.HCM và các tỉnh lận cận cuối tuần vẫn được về thăm nhà, hoặc thỉnh thoảng cha mẹ lại lên trung tâm ngồi xem con tập luyện cho đỡ nhớ.
Thực tế, những gì các cựu tuyển thủ làm được ở PVF đang khiến các lò đào tạo khác phải kiêng dè khi liên tiếp giành những vị trí cao nhất ở các giải đấu trẻ. Đồng thời, cầu thủ Phạm Trọng Hóa của PVF sẽ cùng Hoàng Thế Tài (của trung tâm Viettel) có mặt ở Qatar trong vài ngày tới để dự tuyển VCK chương trình “Giấc mơ sân cỏ” do Học viện bóng đá Aspire tổ chức dành cho các tài năng bóng đá trẻ trên khắp thế giới. Và nói như cựu tuyển thủ Nguyễn Phúc Nguyên Chương: “Chúng tôi đang ấp ủ tham vọng đào tạo ra những gương mặt kế thừa tài năng cho bóng đá Việt Nam trong trong lai, và đang cố gắng biến PVF thành một lò đào tạo trẻ tên tuổi của cả nước”.