Liệt sĩ, AHLLVT ND, cầu thủ bóng đá Thể Công Phạm Ngọc Khánh: Chiếc bi đông của người anh

Tiền đạo mang áo số 8 Phạm Ngọc Khánh thi đấu trong đội hình Thể Công vào những năm 1962-1964. Năm 1966, anh được cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân. Ra trường đảm đương công tác huấn luyện tân binh rồi hăng hái xung phong vào chiến trường miền Nam tham gia chiến đấu chống Mỹ. Phạm Ngọc Khánh hy sinh năm 1968. Năm 1970 anh được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng các lực lượng vũ trang”.

Báo Quân đội nhân dân số 3156 ngày 4/3/1970 viết: “Anh hùng quân đội – Liệt sĩ, Thiếu uý Phạm Ngọc Khánh, Huân chương Quân công hạng Ba, là niềm tự hào của giới thể dục thể thao nước nhà, của Đoàn TDTT Quân đội.

Tiền đạo mang áo số 8 Phạm Ngọc Khánh thi đấu trong đội hình Thể Công vào những năm 1962-1964. Năm 1966, anh được cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân. Ra trường đảm đương công tác huấn luyện tân binh rồi hăng hái xung phong vào chiến trường miền Nam tham gia chiến đấu chống Mỹ. Phạm Ngọc Khánh hy sinh năm 1968. Năm 1970 anh được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng các lực lượng vũ trang”.

Lời tuyên dương công trạng như sau:

“Liệt sĩ Phạm Ngọc Khánh đã nêu một tấm gương sáng về tinh thần kiên quyết tiến công địch, chỉ huy sâu sát, mưu trí linh hoạt, dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trong trận đánh ở mặt trận Khe Sanh ngày 26/6/1968, đồng chí đã dẫn đầu đơn vị đánh chiếm đồn địch, bị thương nặng ba lần, có lần ngất đi, khi tỉnh lại đồng chí tiếp tục chỉ huy đơn vị thọc sâu, chia cắt, tiêu diệt quân Mỹ – ngụy. Trong trận này, riêng đồng chí Phạm Ngọc Khánh đã tiêu diệt 4 ụ súng lợi hại của địch, diệt 26 tên Mỹ, góp phần tạo điều kiện cho bộ đội xung phong giành thắng lợi cho toàn trận đánh”.

Anh hùng Phạm Ngọc Khánh quê ở thị xã Hải Dương. Anh sinh năm Nhâm Ngọ (1942). Bố mẹ anh đều thoát ly đi kháng chiến và hoạt động trong vùng địch hậu vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cả tuổi thơ, Khánh sống với bà nội là cụ Đặng Thị Tuyết ở số nhà 69 phố Trần Hưng Đạo, Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương). Phạm Ngọc Khánh học ở trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (nay là trường THCS Trần Phú). Thuở nhỏ, anh học chăm và giỏi, không bao giờ phải để bà nội và bác ruột Phạm Ngọc Chuyên, y sĩ nhà thương tỉnh ca thán một điều gì. Tính Khánh kiên cường, trọng lẽ phải, yêu thương bạn và rất dũng cảm trong sinh hoạt thường ngày. Anh có năng khiếu bóng đá và chính anh đứng ra lập đội bóng đá ở trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Image

Đại tá Nguyễn Thọ ở 12B phố Lý Nam Đế kể thêm một số chi tiết về Anh hùng-Liệt sĩ Phạm Ngọc Khánh: “…Tôi gặp Khánh khi anh là công nhân quốc phòng Nhà máy Z.1. Lúc đó, tôi là Bí thư Đảng ủy kiêm Chính ủy nhà máy. Khánh được cử đi học lớp đào tạo kỹ thuật đặc biệt khoá 1. Học xong, anh được phân công về phân xưởng gia công cơ khí A32, chuyên chế tạo các bộ phận của súng trường CKC. Trong cuộc sống hàng ngày, anh khát khao tình cảm gia đình. Trong hoạt động TDTT, anh luôn luôn là người đi đầu. Anh Khánh còn là một chân sút có hạng của đội bóng đá nhà máy. Một lần, đội Thể Công về thi đấu giao hữu, phục vụ công nhân quốc phòng của Ngành quân giới. Ai dè, tài đá bóng của cậu công nhân kỹ thuật số 1 của Z.1 chúng tôi đã lọt vào “mắt xanh” của huấn luyện viên đội Thể Công. Và thế là vài tuần sau, Bộ Tổng Tham mưu đánh quyết định điều động Khánh về đội bóng đá Thể Công!”.

Trong một trận cầu tranh giải miền Bắc trên sân Vinh (Nghệ An), không may Khánh bị chấn thương rất nặng ở đầu gối và phải rời sân. Sau gần nửa năm điều trị tại Viện quân y 108, cuối cùng, bác sĩ điều trị và Hội đồng Y khoa kết luận “khớp gối của Khánh không thể hồi phục!”. Nghe đến đó, Khánh đã bật khóc như một đứa trẻ. Anh đã phải chia tay bóng đá khi tài năng đang phát triển, để lại sự tiếc nuối cho Thể Công cũng như giới bóng đá. Anh đã có thể giải ngũ, về nhà, nhưng trong hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh, Phạm Ngọc Khánh quyết tâm điều trị chấn thương, để dù không đá bóng được thì vẫn có thể ra chiến trường bảo vệ Tổ Quốc…

Liệt sĩ Phạm Ngọc Khánh đã nằm lại ở chiến trường Khe Sanh – Đường 9 suốt 20 năm. Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, gia đình đã có lần vào Khe Sanh để tìm mộ Khánh mà không được. Lần này, may mắn thay, theo lời kể của mấy anh trong đơn vị, chỉ mất nửa tiếng đồng hồ tìm lối, đã xác định được vị trí mộ người anh hùng. Ở một vạt cỏ non xanh, chỉ với vài chục nhát cuốc, đồng đội và người thân đã tìm thấy một bộ hài cốt. Lần lượt lật giở từng nếp vải tăng còn nguyên vẹn, hình hài người Liệt sĩ anh hùng còn đây nhưng không ai dám chắc đó là Phạm Ngọc Khánh… Nắng Quảng Trị sớm mai trong vắt. Gió mát tràn trên những cánh rừng. Chiếc bi đông nhôm sơn màu xanh lá có nắp nhựa xoáy đã xỉn đen cùng cốt xương. Những đồng đội còn lại trong trung đội, chính là những người đã mai táng anh buổi chiều muộn ngày 26 tháng Sáu năm 1968, đã lấy tay áo gạt nước mắt. Rồi một người cúi thấp xuống, khe khẽ nhấc chiếc bi đông lên. Ông bồi hồi khôn tả và cẩn trọng đưa tay lau nhẹ lớp đất bột mịn bám quanh bằng chiếc khăn mùi xoa. Ở vai chiếc bi đông, hiện nguyên vẹn dòng chữ “Khánh – Đội bóng đá Thể Công”. Khi ông nấc lên nghẹn ngào, thì không còn ai im lặng được nữa. Tiếng khóc bật lên vì thương cảm và trào dâng niềm sung sướng. “Chính xác là Khánh đây. Phạm Ngọc Khánh cầu thủ bóng đá Đội Thể công năm xưa đây rồi!”.

Kỷ vật thiêng liêng này của Khánh được đưa về Hải Dương. Gia đình hiện đang đặt trên bàn thờ người Anh hùng – Liệt sĩ tại ngôi nhà ở thành phố Hải Dương, nơi hơn 60 năm trước, Khánh đã cất tiếng khóc chào đời. Năm ngoái, ông giám đốc Sở Thể dục thể thao Hải Dương Trịnh Công Quyền, nhân khi xúc tiến việc viết cuốn “Lịch sử Thể dục thể thao tỉnh Hải Dương”, đã lần theo câu chuyện của những chiến sĩ E. 246. Ông vào Quảng Trị, lên Đường 9, vào thăm Nhà truyền thống của Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 – Khe Sanh đặt tại căn cứ sân bay Tà Cơn. Tại đây, ông Trịnh Công Quyền đã tận mắt thấy tấm ảnh chân dung Phạm Ngọc Khánh treo trang trọng trên một vị trí tôn nghiêm nói về chiến trường Đường 9 – Khe Sanh năm 1968 trên tuyến đầu diệt Mỹ. Ảnh của 4 chiến sĩ tham gia chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh năm 1968 ấy được Nhà nước tuyên dương và phong tặng danh hiệu “Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân” cùng trong một lần.

Người giới thiệu của Nhà truyền thống Tà Cơn, lúc nói về 4 người Anh hùng, chị không sao nói thêm được gì về “lý lịch trích ngang” của Anh hùng – Liệt sĩ Phạm Ngọc Khánh. May sao, ông Quyền lúc đi có mang theo mấy cuốn Tạp chí Thể dục Thể thao Hải Dương số 3 năm 1999 có bài báo đăng ở trang 12 giới thiệu về Phạm Ngọc Khánh. Lãnh đạo Nhà truyền thống Tà Cơn mừng như bắt được vàng…

Trên bàn thờ đơn sơ của gia đình có những tấm ảnh thờ nghiêm trang. Những cây nhang vừa được châm lửa, nhẹ vương làn khói mỏng, Khánh hơi cúi nhìn. Và anh nở nụ cười hiền lành đến là thân thương. Trong đội hình thi đấu cũng như những ngày đứng bên cỗ máy tiện to tướng tựa như chú voi khổng lồ nằm trong hang giữa rừng sâu Việt Bắc, anh thanh niên Khánh thật giản dị. Thế mà khi xung trận trên chiến trường chiến đấu với quân giặc, thì anh tỏ ra quả cảm, bất khuất, can trường biết bao! Để ghi nhớ chiến công lừng lẫy của người Anh hùng – Liệt sĩ, tỉnh Hải Dương đã lấy tên Anh đặt cho một con đường lớn của thành phố Hải Dương, phố Phạm Ngọc Khánh. Anh em VĐV từ trẻ đến già vẫn gọi nôm na là “Phố Khánh bóng đá ấy mà”, mỗi khi có ai đó hỏi thăm…

Nguồn: Theo Báo Bóng Đá