Trương Tấn Bửu – "Trung ứng vách sắt"

Ông Trương Tấn Bửu đã được LĐBĐ VN (VFF) thống nhất đề cử là nhân vật tiêu biểu nhất của bóng đá Việt Nam trong vòng 100 năm để FIFA trao Huân chương kỷ niệm thế kỷ.

Ông Trương Tấn Bửu đã được LĐBĐ VN (VFF) thống nhất đề cử là nhân vật tiêu biểu nhất của bóng đá Việt Nam trong vòng 100 năm để FIFA trao Huân chương kỷ niệm thế kỷ. VFF hoàn toàn có cơ sở nhất định khi điểm lại thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của cố danh thủ này cho nền bóng đá nước nhà.

Ông Trương Tấn Bửu (trái) cùng nhà báo lão thành Tú Hào chụp ảnh lưu niệm tại quê Bác (tháng 5/1973). Ảnh: Bóng đá

Ông Trương Tấn Bửu tên thật là Trương Văn Niên, sinh năm 24/4/1914 tại Cần Giuộc (Long An). Ngay từ khi còn nhỏ tuổi, tài năng của ông đã phát lộ, lại “gặp thời” khi trưởng thành vào thời kỳ những năm 1930 – lúc bóng đá Sài Gòn phát triển rất mạnh.

Sớm được chọn vào Enfants de Troupe (Thiếu sinh quân) và khi đủ tuổi bắt đầu khoác áo các đội bóng danh tiếng như Ngôi Sao Gia Định, Auto – Dall, Stade Militaire, ông Bửu đã có được những thành công đáng kể khi nhiều lần vô địch Nam Kỳ. Được gọi vào đội tuyển Nam Kỳ năm 22 tuổi và thi đấu từ năm 1936-1945, ông đã từng viễn du qua Hồng Kông, Philippines, Malaysia, Campuchia…, được người hâm mộ thời đó tặng danh hiệu “Trung ứng vách sắt” bởi đã từng làm nản lòng các tiền đạo giỏi khu vực, kể cả cao thủ lừng danh Lý Huệ Đường (Nam Hoa), người được mệnh danh là “Túc cầu đại vương”.

Trong đội hình 1-2-3-5, ông Trương Tấn Bửu là trung ứng – chơi như một libero sau này, lên công về thủ toàn diện, tư duy nhạy bén. Với thân hình cao lớn, đậm đà, kỹ thuật hoàn hảo, tranh cướp bóng dũng mãnh, khi thu hồi được bóng luôn có những đường chuyền tấn công dài chuẩn xác và đặc biệt là cú sút như búa bổ. Lớp cầu thủ xưa kể lại, ông Bửu có cú “chặt” bóng vô cùng độc đáo: chân “chặt” vào bóng rất mạnh, lúc đầu bóng đi nhanh, đến đoạn cuối bóng xoáy ngược lại rất thuận lợi cho người nhận bóng, hoặc như một đường “dọn cỗ” để đồng đội có thể thể là tung ngay cú sút. Cách đánh đầu của ông cũng đặc sắc: nhảy lên cao, “bổ” xuống rất có uy lực. Khi chuyển sang đội hình chiến thuật WM, ông Trương Tấn Bửu vẫn là trung vệ trụ cột của CLB cũng như đội tuyển quốc gia.

Đầu năm 1945, khi đang chơi cho Stade Militaire, ông Bửu được ông Trương Văn Bang giao nhiệm vụ đi rải truyền đơn ở mạnh Phú Lâm. Cách mạng tháng Tám, rồi Nam Bộ kháng chiến, ông vào bộ đội, chiến đấu ở miền Đông, một lần bị thương. Ra Bắc tập kết cùng hai con trai, ông và con trai cả Truơng Tấn Nghĩa thuộc sư 330, đóng ở Thanh Hoá. Đội Thể Công lúc ấy biết tin, đón cả hai cha con về từ đầu năm 1955. Từ năm 1955 đến 1957, ông vừa đá vừa làm HLV. Dù đã ngoại tứ tuần, ông vẫn là trụ cột của Thể Công, giúp đội giành 2 chức vô địch miền Bắc (1955-1956) và hạng nhì (1957). Trong hai năm 1956-1957, ông là HLV đội tuyển Việt Nam và dẫn đội đi thi đấu tại Trung Quốc, Campuchia. Năm 1956, ông cũng là đại đội bậc phó trong quân đội. Năm 1958, ông dẫn dắt Thể Công tham gia giải SKDA tại CHDC Đức.

Năm 1959, ông Trương Tấn Bửu được điều ra làm Phó Giám đốc Trường huấn luyện kỹ thuật TDTT Trung ương (Nhổn) cho đến năm 1970. Ông nhiều lần làm Trưởng đoàn hoặc HLV đội tuyển đi thi đấu ở nước ngoài, nhiều nhất là ở Trung Quốc, Liên Xô, Đông u. Khi Trường huấn luyện giải thể, ông là chuyên viên của Uỷ ban TDTT. Năm 1975, ông về TP.HCM làm Giám đốc đầu tiên của Sở TDTT cho đến khi nghỉ hưu.

Ông Trương Tấn Bửu những ngày cuối đời- Ảnh:TTO

Có thể nói rằng, “Trung ứng vách sắt” Trương Tấn Bửu là một con người tài đức vẹn toàn. Ông rất yêu nghề, nhân hậu, khiêm tốn, bao dung, dễ gần và nhiều kinh nghiệm, nói ít nhưng nói trúng và dễ hiểu. Thời là cầu thủ, ông rất nổi tiếng, được quần chúng hâm mộ cả hai miền đất nước yêu quý. ~ cương vị HLV, ông cũng gặt hái được nhiều thành công và trên cương vị nhà quản lý, ông là cán bộ có uy tín, từng làm Phó Chủ tịch Hội bóng đá Việt Nam – tiền thân của LĐBĐ VN (lúc đó do ông Hà Đăng Ấn làm Hội trưởng).

Không chỉ nổi danh trong làng bóng đá nước nhà, ông Bửu cũng được nhiều người biết tiếng ở ngoài nước. Năm 1956, trong dịp dẫn đội tuyển Việt Nam thi đấu tại Trung Quốc, ông được lão tướng Lý Phương Lâu đánh giá rất cao. Các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước như đồng chí Phạm Hùng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh rất mến mộ. Khi ông đã chuyển ngành, các vị Tướng Vương Thừa Vũ, Cao Văn Khánh thường gặp mặt ông để tham khảo ý kiến về bóng đá.

Ông còn có một niềm tự hào là người con trai cả Trương Tấn Nghĩa cũng là một cựu danh thủ nổi tiếng trong thời gian từ 1955-1965. Ông Nghĩa và cô con gái út hiện đang sống ở TP.HCM còn người con trai thứ hai của ông Bửu (Trương Tấn Kiệt) mất sớm. Năm 2000, ông Trương Tấn Bửu đã tạ thế, nhưng tiếng thơm của ông vẫn toả ngát cho đến ngày hôm nay.