Hội nghị triển khai nghị quyết 05/2005/NQ-CP tại các tỉnh, thành phía Nam

Trong hai ngày 22 và 23-8, Hội nghị triển khai nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá (XHH) các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, TDTT đã diễn ra tại hội trường Thống Nhất (TPHCM)…

24/08/2005 00:00:00
Trong hai ngày 22 và 23-8, Hội nghị triển khai nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá (XHH) các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, TDTT đã diễn ra tại hội trường Thống Nhất (TPHCM) dưới sự chủ trì của PhóThủ tướng Phạm Gia Khiêm, với sự tham gia của lãnh đạo Bộ, nghành, chính quyền, và đại diện các cơ sở có liên quan của 32 tỉnh thành khu vực phía Nam.
Phó Chủ nhiệm UB TDTT Nguyễn Trọng Hỷ đã trình bày tóm tắt đề án: SPhát triển xã hội hoá TDTT đến năm 2010⬝, trong đó đề ra 6 giải pháp chính: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về xã hội hoá TDTT. Tập trung nghiên cứu lý luận và thực tiễn về xã hội hoá TDTT, xây dựng và chỉ đạo nhân rộng các mô hình địa điểm. Xây dựng khung pháp lý và các cơ chế chính sách cần thiết tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xã hội hoá. Tăng cường quản lý Nhà nước và đổi mới cơ chế quản lý để phù hợp với xu thế xã hội hoá. Đổi mới chi tiêu công và các chính sách đầu tư của Nhà nước để thực hiện mục tiêu xã hội hoá. Tập trung phát triển thị trường TDTT.
Đại diện nghành TDTT các địa phương đều nhất trí đánh giá công tác xã hội hoá TDTT bước đầu đã phát huy hiệu quả thực tiễn, góp phần thu hút sự tham gia, ủng hộ rộng rãi của nhân dân trong các hoạt động TDTT, tăng cường các nguồn lực phát triển sự nghiệp của nghành. Tuy nhiên việc triển khai xã hội hoá TDTT thời gian qua cũng còn nhiều bất cập, cụ thể là chưa được sự quan tâm, chỉ đạo đúng mức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền nhiều địa phương. Các cơ chế, chính sách khuyến khíchxã hội hoá TDTT còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh để tạo sự biến chuyển rão rệt trong thực tế. Đầu tư của Nhà nước với hoạt động TDTT còn ở mức thấp chưa đáp ứng nhu cầu thực tế dẫn đến cơ sở vật chất TDTT nhiều địa phương còn lạc hậu, thiếu thốn, không thể giúp phát triển thể thao thành tích cao. Chính sách ưu đãi về đầu tư, thuế, đất đai, chính sách khen thưởng, đãi ngộ,… dành cho các tổ chức cá nhân ngoài công lâp, trong cũng như ngoài nước, hoạt động trong lĩnh vực TDTT hoặc tài trợ cho TDTT còn nhiều bất cập…
Kết luận về hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho rằng cần nhấn mạnh đến vai trò của xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và TDTT cũng như tạo được sự đồng thuận xã hội về công tác xã hội hoá các lĩnh vực này. Đồng ý với việc hình thành các mô hình xã hội hoá trong từng lĩnh vực, tránh hiện tượng tự phát, có sơ kết, tông kết, Phó Thủ tướng cũng nêu ra những việc cần làm ngay: Yêu cầu các bộ, nghành liên quan 4 lĩnh vực sớm hoàn chỉnh và phê duyệt đề án xã hội hoá của nghành để trình Chính phủ phê duyệt làm cơ sở thực hiện. Yêu cầu các địa phương hoàn thành sớm chương trình hoạt động xã hội hoá bốn lĩnh vực với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện rõ ràng. Hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác xã hội hoá. Các Bộ, nghành tổ chức bộ máy tương xứng để quản lý, chỉ đạo việc thực hiện xã hội hoá.
(SGGP Thể thao)