Phó ban bóng đá nữ AFC C.Ramos: STính hấp dẫn và chất lượng các trận đấu đã cao hơn!⬝

Đây là lần đầu tiên AFC quyết định tổ chức vòng đấu loại để chọn ra 4 đội dẫn đầu vào dự VCK cùng với 4 đội hạt giống là Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc và Hàn Quốc…

Đây là lần đầu tiên AFC quyết định tổ chức vòng đấu loại để chọn ra 4 đội dẫn đầu vào dự VCK cùng với 4 đội hạt giống là Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc và Hàn Quốc. Có thể nói, sự thay đổi này đã đem đến những thay đổi mới lạ cho bóng đá nữ châu Á, thúc đẩy sự phát triển cũng như từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ giữa các quốc gia trong châu lục. Đó là lời khẳng định của bà Cristina Ramos, Phó ban bóng đá nữ AFC, đồng thời cũng là thành viên Ban tổ chức thi đấu bóng đá nữ của FIFA.

Phó ban bóng đá nữ AFC (ngoài cùng bên phải)
PV: Theo đánh giá của bà, việc phân chia giải nữ thành 2 giai đoạn đã mang lại hiệu quả như thế nào?
Bà Cristina Ramos: Khoảng cách trình độ giữa các đội bóng trong châu lục có sự chênh lệch quá lớn, đó chính là lý do năm nay AFC thống nhất và quyết định đưa ra thể thức thi đấu theo hai giai đoạn: Vòng loại và vòng chung kết. Với thể thức mới này, các bảng đấu sẽ cân bằng và giàu tính cạnh tranh hơn. Mặt khác, nó cũng mang lại cơ hội cọ xát nhiều hơn cho các đội bóng yếu. Ngoài ra, nhờ thể thức thi đấu mới, các đội bóng hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc không phải tham dự những trận đấu không cần thiết mà kết quả đã được biết trước, do trình độ quá chênh lệch so với các đội bóng khác.
Qua loạt trận đấu tại vòng loại năm nay, tuy các tấm vé vào tứ kết không nằm ngoài dự đoán, nhưng có thể nhận thấy sự tiến bộ đáng kể của các đội bóng thuộc nhóm tiềm năng. Đặc biệt, hiệu quả rõ nét nhất của quyết định áp dụng thể thức thi đấu này  là đã tăng sức cạnh tranh giữa các đội bóng có khả năng đứng vào nhóm bốn đội dẫn đầu và do đó tính hấp dẫn cũng như chất lượng của giải đấu cũng cao hơn. Việc có tới 3 đội bóng thuộc khu vực ĐNÁ giành quyền đi tiếp là một minh chứng rõ ràng nhất. Tôi hy vọng, trong tương lai, thể thức này vẫn sẽ được áp dụng để kích thích sự phát triển của bóng đá trong châu lục.
– Trên cương vị Trưởng đoàn AFC, bà có nhận xét về công tác tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam?

+ Trong thời gian đầu của giải đấu, mặc dù bận rộn với Hội nghị BCH và công tác tổ chức cho các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu quốc gia, nhưng VFF cũng rất cố gắng bám sát và đảm bảo những yêu cầu đặt ra cho công tác tổ chức. Chúng tôi xin ghi nhận những nỗ lực và đóng góp của VFF cho thành công chung của giải, cũng như chung sức đồng lòng với AFC vì sự phát triển của bóng đá châu Á.
Mỗi một giải đấu đều có chuẩn riêng về công tác tổ chức và các giải đấu do AFC tổ chức phải tuân thủ theo chuẩn của AFC. Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đó và hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của một nước chủ nhà.
– Đó là lý do để AFC trao quyền đăng cai vòng loại cho Việt Nam?

+ Trên thực tế, Việt Nam đã từng đứng ra tổ chức thành công các giải đấu lớn như SEA Games, Tiger Cup⬦ và lại có nền bóng đá nữ phát triển nhất trong khu vực ĐNÁ. Tuy nhiên, mục đích chính khi trao giải đấu vòng loại châu Á cho Việt Nam là nhằm giúp các bạn tiếp cận và học hỏi công tác tổ chức, để trong tương lai không bỡ ngỡ khi được quyền đăng cai các giải đấu theo chuẩn của AFC hoặc FIFA. Mặt khác, AFC cũng muốn khẳng định vị trí của bóng đá nữ không hề thua kém so với bóng đá nam. Do đó, công tác tổ chức phải thật chuẩn mực.
– Bà đánh giá thế nào về trình độ và tương lai của bóng đá Việt Nam?

+ Tôi thật sự ấn tượng trước những gì mà các nữ tuyển thủ Việt Nam đã thể hiện qua 3 trận đấu vừa qua, trong đó nổi bật nhất là trình độ kỹ thuật và lối chơi tập thể. Ngoài ra, ĐTVN cũng sở hữu những cá nhân xuất sắc, có thể thay đổi cục diện trận đấu. Tôi tin rằng, ĐTVN sẽ tiếp tục gặt há được nhiều thành công trong tương lai, mà trước mắt là tại SEA Games 23 tới.
– Xin cảm ơn và chúc bà thành công hơn trong công việc của mình!

NHÀ TÀI TRỢ ĐỘI TUYỂN QUỐC GIA VIỆT NAM