Đào Thị Miện – gái quê thành thủ lĩnh

Chừng chục năm gần đây, khi nói về các chiến tích của đội tuyển nữ Việt Nam, người ta không thể không nói tới Đào Thị Miện. Chững chạc và lặng lẽ, Đào Thị Miện dường như mang cả cái sự khắc khổ cùng nghị lực phi thường – giống như cách mà chị đến với bóng đá…

Chừng chục năm gần đây, khi nói về các chiến tích của đội tuyển nữ Việt Nam, người ta không thể không nói tới Đào Thị Miện. Chững chạc và lặng lẽ, Đào Thị Miện dường như mang cả cái sự khắc khổ cùng nghị lực phi thường – giống như cách mà chị đến với bóng đá…

Từ trái bóng nhựa trên đường làng…

Nổi danh ở Hà Tây, nhưng quê của Miện mãi dưới miền thành Đông Hải Dương. Miện kể, duyên nợ với bóng đá bắt nguồn từ tận… SEA Games 1995 ở môn bóng đá…nam. Năm ấy, bàn thắng vàng của tiền đạo Trần Minh Chiến (ghi vào lưới Myanmar ở trận bán kết) đã thổi bùng đam mê trái bóng tròn của cô thôn nữ mới 14 tuổi. Ngày nhỏ ở quê, cứ tan học là Miện lại cùng lũ bạn trai quần nhau với trái bóng nhựa trên đường làng. Mê tới mức quên cả ăn, khiến nhiều hôm cô bé Miện phải no đòn với mẹ – người vẫn cho rằng, bóng đá chỉ dành cho đàn ông.

Trung vệ đội trưởng Đào Thị Miện (8, Việt Nam) trong pha cản phá dũng mãnhtrước hàng tiền đạo Myanmar tại giải vô địch Đông Nam Á 2008. Ảnh: Hoàng Hùng

Bước ngoặt trong sự nghiệp của Miện có thể được tính từ ngày cô theo cha lên Hà Đông. “Chăm học để thi vào trường sư phạm, có công việc ổn định”, đó là mục tiêu mà ba mẹ Miện giao cho cô con gái vừa chân ướt chân ráo lên thị xã. Học chăm và học khá, nhưng ước ao được trở thành cầu thủ chưa khi nào không thôi thúc Miện. Vì thế, năm 1998, mặc ánh mắt ái ngại của bố, mặc lời can ngăn của mẹ, Miện đã “dũng cảm” đăng ký vào lớp năng khiếu bóng đá của Hà Tây (cũ).

Tuy nhiên, để làm vừa lòng bố mẹ, Miện vừa tập bóng nhưng vẫn vừa theo học văn hóa đàng hoàng, và cô đã thi đậu vào trường Sư phạm TDTT. Miện kể, khi ấy cứ đi học về lại tức tốc ra sân cùng đồng đội, hết mỗi buổi tập, Miện lại tranh thủ ở lại tập thêm để theo kịp chúng bạn.

Trở thành tuyển thủ, xa nhà, Miện kể nhiều lúc muốn khóc: “Hồi ấy, con gái đá bóng vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của xã hội nhiều như bây giờ, thế nên tủi thân lắm. Điều kiện sinh hoạt thì thiếu thốn, nhưng chị em động viên nhau vượt khó theo đuổi niềm đam mê, chỉ mong được mang vinh quang về cho tổ quốc”…

…Tới đội trưởng đội tuyển quốc gia

Cứ thế, Miện trưởng thành, trở thành trụ cột của đội Hà Tây và SEA Games 2001, cô lần đầu tiên góp mặt cùng đội tuyển quốc gia. Được góp mặt với Minh Nguyệt, Thúy Nga, Ngọc Mai… những “thần tượng” của mình, Miện mừng lắm, nhưng ngay ở lần đầu tiên lên tuyển, Miện đã “sốc”. Số là trong trận chung kết SEA Games 2001 (gặp Myanmar), vì quá cay cú không làm chủ được mình, các cầu thủ Myanmar đã tấn công các tuyển thủ Việt Nam. Với Miện, đó là cảnh thực sự sốc, bởi theo cô bóng đá phải cao thượng, là con gái, càng không thể có cảnh ẩu đả…

Qua nhiều va vấp, trải nghiệm trên sân cỏ, Miện trở thành trụ cột của Hà Tây rồi đội tuyển quốc gia. Khi “thế hệ vàng” của những Minh Nguyệt, Thúy Nga… giải nghệ, Miện trở thành thủ lĩnh của tuyển Việt Nam. Giờ đây, cô là đội trưởng đội tuyển quốc gia dưới thời HLV Trần Vân Phát, chơi nổi bật trong tất cả các giải đấu của đội tuyển Việt Nam trong năm 2008.

Tung hoành ngang dọc khắp các đấu trường quốc tế và trong nước, nhưng cũng như bao cô gái khác, với Miện, được về quê, cùng mẹ và các em chăn lợn, tưới rau vẫn là những giây phút êm ả, hạnh phúc nhất!

Kiểm kê lại thành tích của Miện từ ngày theo nghiệp quần đùi áo số, cô gái quê Hải Dương có đủ bộ sưu tập từ HCV SEA Games, Đông Nam Á, VĐQG rồi Quả bóng Vàng Việt Nam… Thành đạt là vậy, nhưng Miện vẫn chưa nghĩ đến chuyện giã từ bóng đá. Năm nay 28 tuổi, Miện thổ lộ sẽ theo nghiệp HLV khi treo giày. Hiện tại, cô đã là HLV phó của nữ Hà Nội 2.

Nguồn: Theo SGGP

NHÀ TÀI TRỢ ĐỘI TUYỂN QUỐC GIA VIỆT NAM