HLV Hoàng Văn Phúc: 20 năm đi tìm sự thừa nhận

Mùa giải 2017 của Quảng Nam đã bắt đầu theo cách không thể kỳ lạ hơn. Và sự kỳ lạ ấy đã đeo bám họ trong cả mùa giải. Họ sống cùng những tin đồn. Giới truyền thông đồn đoán Quảng Nam sẽ lên ngôi ngay khi bóng còn chưa lăn. Một bộ phận NHM khẳng định như đinh đóng cột “Quảng Nam được nhường vô địch”.

Quảng Nam là tỉnh nhỏ và còn nhiều khó khăn với vỏn vẹn 10 vạn dân, dù chỉ cách trung tâm du lịch Đà Nẵng nửa giờ di chuyển bằng xe. Đội bóng của tỉnh còn không có sân tập riêng. Thậm chí tuyến trẻ của đội còn phải ăn ở ngay tại sân vận động Tam Kỳ. HLV trưởng của đội, Hoàng Văn Phúc, chưa có thành tích đáng kể gì ở V.League, ngoài danh hiệu HLV hay nhất tháng 4/2006.

Những chỉ dẫn quá khứ không ủng hộ Quảng Nam. Thế mà, họ vô địch thật. Chức vô địch này không chỉ đúng như lời tiên đoán thuần chất chuyên môn của cựu danh thủ Trần Minh Chiến mà còn kéo theo rất nhiều tin đồn thuyết âm mưu về việc Quảng Nam được nhường vô địch.

Việc đồn thổi là câu chuyện của dư luận. Họ có quyền tự do ngôn luận. Mọi phán xét sẽ là vô nghĩa nếu tất cả dựa trên suy đoán. Chỉ những người trong cuộc, ăn ngủ với hành trình đầy màu sắc thần tiên ấy, mới hiểu rõ căn nguyên vấn đề. Chiến công này không tử trên trời rơi xuống, mà nó là thành quả tạo nên từ một lộ trình vững chắc từ vài năm trước.

Bây giờ là câu chuyện HLV Hoàng Văn Phúc, người đàn ông dành cả cuộc đời đi tìm sự thừa nhận.

XUẤT PHÁT SỚM, VỀ ĐÍCH MUỘN

Hoàng Văn Phúc sinh năm 1964, tức năm nay 54 tuổi. Ở tuổi của ông, người đồng nghiệp Phan Thanh Hùng đã sở hữu 2 chức vô địch V.League, 1 Cúp Quốc gia và vô số giải thưởng lớn nhỏ. Thậm chí, cách nơi đóng quân của ông Phúc 40km, Lê Huỳnh Đức đã sớm trải nghiệm cảm giác đăng quang ở tuổi 38, đúng hai năm sau ngày giải nghệ.

54 tuổi, ông Phúc có gì trong bộ sưu tập? Không gì cả.

Đấy là một điều kỳ lạ, dù sự thật là trong các HLV đang hành nghề ở V.League, Hoàng Văn Phúc thuộc diện lão làng. Ông đã hít thở bầu không khí bóng đá doanh nghiệp từ đầu năm 2000 trên cương vị trợ lý cho HLV Lê Khắc Chính, và sau đó là thuyền trưởng của Hà Nội ACB trong 3 mùa giải (2006-2008). Nếu tính cả thời kỳ bóng đá chuyển giao từ bao cấp sang thị trường, HLV Phúc đã làm nghề 22 năm, từ năm 1996.

Trong giai đoạn đổi mới, ông Phúc là số ít HLV nội được tiếp cận với công nghệ tiên tiến. Năm 2003, khi bầu Kiên mời cựu danh thủ bóng đá Hungary Lajos Detari về làm GĐKT, Hoàng Văn Phúc đã sớm làm quen với đồng hồ và áo tập đo mạch, ghi lại thông số cầu thủ được đích thân Detari mang qua Việt Nam.

Ông Phúc vẫn nhớ mãi hình ảnh trong buổi tập đầu tiên cùng Detari, Cao Sỹ Cường đã hồ hởi chạy ra khoe với ông: “Thầy ơi, cái đồng hồ này xịn chưa. Nó đo được cả tốc độ chạy của mình này”. Ngày ấy, quần áo hay phương tiện luyện tập của Hà Nội ACB rặt hàng nhập khẩu. Trong một chuyến công tác Anh, bầu Kiên đã tranh thủ đặt may toàn bộ đồ thi đấu và tận tay mang về Hà Nội.

Với bệ phóng đáng mơ ước mà ít có HLV nội nào có được như thế, ắt hẳn sự nghiệp của ông Phúc sẽ lên như diều gặp gió. Nhưng thực tế lại không hề dễ dàng như vậy. 54 tuổi, trước mùa giải 2017, tướng Phúc vẫn tay trắng trong nghiệp cầm quân và tưởng như sẽ chìm dần vào quên lãng theo thời gian.

SAU 20 NĂM, LÀM LẠI TỪ… MỘT BỮA CƠM

Là năng lực của ông Phúc có hạn hay vì lý do nào khác khiến sự nghiệp của ông chưa thể thăng hoa? Ông Phúc chỉ bảo, làm gì cũng cần chút may mắn. Trong cuốn giáo trình đào tạo HLV bằng Pro ông đang theo học, tài liệu cũng đã nói rất rõ ràng. Có 4 yếu tố làm nên thành công của một HLV: Ý tưởng, triết lý, nhân sự và may mắn. Thiếu một trong bốn yếu tố sẽ không bao giờ tạo ra thành công trọn vẹn.

Có những câu chuyện làm nghề Hoàng Văn Phúc không bao giờ quên. Ngày cầm Hà Nội ACB, ông được toàn quyền chỉ đạo chuyên môn. Nhưng trước và sau bóng lăn, ông phải gửi bầu Kiên hai bản báo cáo. Trước trận là tình hình lực lượng và ý đồ chiến thuật, sau trận là điểm mạnh yếu.

Bóng đá không phải là bài toán điền vào chỗ trống. Một cầu thủ giỏi không làm nên tập thể tốt. Công việc của HLV đôi khi không hẳn là tìm người xuất sắc nhất, mà là tìm người phù hợp nhất. Những vấn đề nhân sự là một trong nhiều lý do khiến Hà Nội ACB xuống hạng hồi 2008. Sau năm ấy, Hoàng Văn Phúc cũng xin nghỉ.

Ông bất ngờ chuyển hướng sang công tác đào tạo trẻ tại LĐBĐ Việt Nam (VFF) và đạt được một vài thành công nhất định. Tuy nhiên, “đào tạo trẻ” chưa và không bao giờ là một định danh cho HLV chuyên nghiệp. Một lần nữa, ông Phúc rẽ hướng: Nắm tuyển U22, U23 và ĐTQG Việt Nam. Lần chuyển việc này tưởng như sẽ mở ra chương mới cho cuộc đời huấn luyện thì hóa ra, nó lại đẩy ông Phúc xuống một lớp bùn khác.

Ông Phúc bắt đầu được để ý khi dẫn dắt đội U22 Việt Nam dự BTV Cúp 2012, giải đấu mà đội chơi khá ấn tượng và giành được ngôi vị Á quân,. Tiếp đó là chức danh HLV trưởng tạm quyền cho ĐTVN tại vòng loại Asian Cup 2015. Nhưng phải đến khi ông Phúc đặt bút ký vào bản hợp đồng 2 năm dẫn dắt các ĐTQG và ĐT U23 Việt Nam thì giới chuyên môn và dư luận mới bất ngờ.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Đội U23 VN tham dự giải BTV Cup tổ chức ở Bình Dương để xảy ra một sự cố mà đến giờ vẫn không ai lý giải nổi. Đó là trận đấu mà họ dẫn trước dễ dàng 3-1 trước CLB Bangu Atletico (Brazil), rồi sau đó để bị gỡ hòa 3-3 theo cách “khó hiểu”. Ngay lập tức, ông Phúc bị VFF đình chỉ chức vụ HLV trưởng, nhưng lại được phục chức ngay sau giải đấu giao hữu đó khi mà SEA Games đã cận kề.

Đây thực sự là một cú sốc với cả người trong lẫn ngoài cuộc. Và nó như một điềm báo gở trước trận đánh lớn. Chỉ thắng được U23 Brunei và U23 Campuchia, còn lại thất bại trước U23 Singapore và U23 Malaysia, U23 Việt Nam bị loại ngay sau vòng đấu bảng của SEA Games lần đầu tiên kể từ năm 2001. Sau SEA Games 27, ông Phúc từ chức huấn luyện viên trưởng ĐTQG và đội U23 Quốc gia.

Những thất bại này làm ông Phúc sụp đổ. Ông ở nhà trong vài tháng liền và gặm nhấm nỗi buồn ấy.

Tháng 4/2014, ông Phúc nghỉ hẳn việc Liên đoàn. Ngay lập tức, Thanh Hóa và Hải Phòng tiếp cận ông. Sau những ngày nghỉ ngơi, ông muốn làm lại từ đầu. Về cơ bản, ông Phúc đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với Hải Phòng. Phần vì gần gia đình, phần vì từng có thời gian dài gắn bó với thành phố hoa phượng đỏ khi còn thuộc biên chế đội Quân Khu 3.

Trước ngày xách va li lên đường, ông Phúc có dịp gặp nhà tài trợ của Quảng Nam và vô tình lắng nghe chia sẻ về nội tình đội bóng xứ Quảng. Một lời đề nghị được đưa ra. Quảng Nam mới chia tay HLV Vũ Quang Bảo và thanh lý 12 cầu thủ. Họ muốn làm bóng đá lâu dài và cần một thuyền trưởng vạch ra lộ trình dài hơi, sẵn sàng dựng lại đống đổ nát.

Ông Phúc lại suy nghĩ. Cuối cùng, ông đành cáo lỗi chủ tịch Trần Mạnh Hùng của Hải Phòng và chọn Quảng Nam làm bến đỗ. Lý do lớn nhất, là nhà tài trợ, chủ tịch và trưởng đoàn trao cho ông quyền lực tuyệt đối. Ông cảm thấy sự ấm áp ở đây. Vả lại, ông xem cuộc kết duyên này như định mệnh. 46 năm trước, suýt chút nữa ông Phúc đã theo bố vào Quảng Ngãi (giáp Quảng Nam) định cư. Cha ông Phúc gốc Quảng Ngãi, ra Hà Nội theo diện tập kết.

TỪ TAI NẠN XE MÁY TỚI HỢP ĐỒNG BƯỚC NGOẶT

Cầm một đội bóng non trẻ như Quảng Nam, ông Phúc biết mình không thể vội vàng. Năm đầu tiên, ông tập trung vào hai việc. Một, gia cố hàng tiền vệ – trái tim của đội bóng. Hai, giúp đội duy trì thứ hạng mùa trước. Ông giữ chân thành công Huy Hùng, Thanh Hưng và Đinh Thanh Trung. Thế là xong việc thứ nhất. Do kinh phí có hạn nên ở hàng thủ, Hoàng Vissai tiếp tục được trọng dụng. Chỉ cần tìm thêm người đá cặp với Pattiyo là bộ khung hoàn chỉnh.

Quan điểm của ông Phúc là sử dụng 1 tiền đạo nội và 1 tiền đạo ngoại. “Tiền đạo ngoại có thể hình, thể lực và kỹ thuật cơ bản nhưng tư duy chiến thuật không tốt. Bù lại, tiền đạo nội tuy còn nhiều hạn chế nhưng tố chất thế trận và khả năng quan sát vượt trội. Cứ bù trừ cho nhau là ổn”, ông Phúc chia sẻ.

Lúc ấy, trong tay ông có hai lựa chọn. Một là Mạc Hồng Quân – người ông Phúc biết rất rõ khi còn cầm đội tuyển đi SEA Games. Ông chủ động gọi điện cho Quân, nhưng ai mà biết là Quân đã có dự định khác. Tiền vệ trưởng thành ở CH Czech vẫn sẽ tôn trọng hợp đồng đã ký nhưng không tính gắn bó lâu dài ở đây. Thế là, Hà Minh Tuấn xuất hiện.

Mùa 2015, Quảng Nam đứng thứ 8. Đúng mục tiêu, đúng lộ trình ông Phúc đặt ra. Mùa 2016, thứ hạng phải cải thiện. Ông muốn góp mặt trong tốp 6. Cần chuẩn bị kỹ hơn.

Nhưng trước khi tiếp tục các dự án của mình ở tầm vĩ mô, Hoàng Văn Phúc phải “chốt sổ” một thương vụ quan trọng: Giữ chân Đinh Thanh Trung. Hợp đồng của cầu thủ quê Hà Tĩnh sắp đáo hạn. Có ít nhất 3 CLB lắm tiền nhiều của sẵn sàng chiêu mộ Trung. Tại buổi họp tổng kết mùa giải, đích thân chủ tịch Phạm Thanh Hùng của Than Quảng Ninh đặt vấn đề với ông Phúc về trường hợp của Đinh Thanh Trung.

Đây là lúc Quảng Nam đã tìm thấy con đường của riêng mình và đưa đoàn tàu vào quỹ đạo. HLV Phúc cần một điểm tựa chuyên môn và biểu tượng tinh thần. BLĐ Quảng Nam đã phá lệ, quyết định ký một hợp đồng dài hạn với Trung kéo dài 2,5 năm.

Trở về Tam Kỳ từ cuộc họp tổng kết, ông Phúc xin kinh phí mua bản quyền phần mềm Mourinho phục vụ chiến thuật. Ông đi học cắt video. Các trận đấu, buổi tập được thu hình kỹ càng. Rồi sau đó ông và ban huấn luyện sẽ tỉ mỉ xem từng băng, nhặt ra tình huống đáng chú ý, cắt và ghép các cảnh khác nhau thành một video hoàn chỉnh. Riêng công đoạn hậu kỳ đã chiếm hết 4 tiếng.

Trong buổi họp chiến thuật trước vòng, ngoài phiếu tài liệu truyền thống, các cầu thủ sẽ xem video và slide thuyết trình. Mọi ý tưởng được đưa ra thảo luận. Từng chi tiết được chạm tới.

Các liệu pháp tâm lý cũng được HLV Hoàng Văn Phúc lưu tâm. “Cầu thủ nghe mình, nể mình không chỉ vì năng lực chuyên môn. Tôi không quản quân theo kiểu ra lệnh. Bản thân người huấn luyện phải hòa đồng, gần gũi thì mới tạo sự gắn kết cho tập thể”, ông Phúc nói.

Không còn trẻ trung nhưng hàng ngày, ông vẫn cố gắng cập nhật xu thế giới trẻ, tìm nghe các bản hit trên thị trường âm nhạc. Ông bảo tập đã căng rồi, thi thoảng đệm mấy câu vui vui cũng giúp các em nó thoải mái. Rồi ông đọc báo, sưu tầm các câu chuyện bóng đá nước ngoài để truyền cảm hứng cho học trò.

Mùa 2016, Quảng Nam đứng thứ 5, tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu.

Thứ 8, thứ 5 và gì nữa? Nói Quảng Nam hạ quyết tâm vô địch từ đầu mùa sẽ là quá lời, nhưng họ muốn giành huy chương. Lộ trình vạch ra đang đúng tiến độ và nó cho thấy, Quảng Nam có tiềm lực thật sự. Ít nhất, thì họ đã phát đi những tín hiệu chuyên nghiệp và bền vững. Mùa 2017, ông Phúc thống nhất với giám đốc Nguyễn Húp và chủ tịch Lê Nguyên Hồng: Phải vào tốp 3.

Mục tiêu cao hơn, trách nhiệm nặng nề hơn và Quảng Nam cần bổ sung nhân sự. Hai mùa liền, bóng bổng luôn là câu hỏi khiến Hoàng Văn Phúc đau đầu. Gánh nặng tuổi tác không cho phép Hoàng Vissai đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe. Anh ra đi để nhường chỗ người phù hợp hơn. Trong khi đó, hậu vệ biên còn non kinh nghiệm.

Quảng Nam nhanh chóng tăng cường hai nhân sự chất lượng. Văn Phong, Văn Học – những người có thâm niên ăn cơm tuyển và nhiều năm chơi bóng ở V.League cập bến Tam Kỳ. Chỉ còn thiếu 1 trung vệ là xong xuôi. Tiêu chí chọn người của ông Phúc là “cao và nhanh”. Cao mới đánh đầu tốt, nhanh mới đuổi được tiền đạo.

Bấy giờ, gã hàng xóm Đà Nẵng mới từ chối Thiago. Hai tuần tập luyện ở Chi Lăng không giúp Thiago ghi điểm trong mắt Huỳnh Đức. Chính trung vệ bị Đà Nẵng từ chối này là nhân tố quan trọng nhất trong hệ thống phòng ngự tốt thứ 5 của V.League, là chủ nhân của 3 pha lập công, trực tiếp đóng góp 9 điểm cho… Quảng Nam. Lại là số phận đem tới một món quà tình cờ khác.

HLV Hoàng Văn Phúc kể lại, khi Thiago tới Đà Nẵng, anh gặp một chấn thương ở bàn chân. Số là trong lần lái xe máy đi mua đồ ăn ở siêu thị, Thiago bị quệt xe và xây xát bên ngoài. Trong vài tuần liền, Thiago không thể đeo giày đá bóng vì bó gót chạm vào vết thương và chỉ dám đi giày thể thao chạy nhẹ.

Kiên nhẫn hơn Huỳnh Đức, Hoàng Văn Phúc chấp nhận chờ đợi. Ông nhìn thấy tiềm năng và tố chất ở bản hợp đồng này. Ông mang Thiago ra Hà Nội dự giải tứ hùng, thử thách anh ta thêm một tháng rồi mới tiến tới “hôn nhân”. Với ông Phúc, Thiago là chữ ký đắt giá nhất, mang đến sự ổn định cho hệ thống vận hành ở Quảng Nam.

ĐI TÌM SỰ THỪA NHẬN

Trong bóng đá, quyền lợi kinh tế đi kèm với thành tích. Cho tới ngày Quảng Nam đăng quang, ông Phúc khó khăn nhiều hơn là thuận lợi. Điều ấy có nghĩa, suốt 40 năm theo nghiệp, tướng Phúc không thể nuôi gia đình nhờ bóng đá. Tự ông nói ra điều ấy. “Khi nhỏ có mẹ chăm sóc, sau lập gia đình có vợ làm hậu phương. Nhiều năm liền, là hai người phụ nữ ấy vánh gác gia đình này. Tôi cứ đi đi về về, tiền không được nhiêu, lắm khi cũng suy nghĩ nhưng biết làm sao. Đam mê ăn vào máu mất rồi”, ông Phúc bộc bạch.

Cụ Bớt, 93 tuổi, trước kia phụ trách cấp dưỡng của đội bóng Thể Công. Một ngày làm việc của bà bắt đầu lúc 3h sáng để kịp chuẩn bị bữa đầu ngày cho cầu thủ. Bố ông thì làm ở ngành lâm nghiệp mãi tận Thạch Thất, tháng mới về 1-2 lần. Người phụ nữ ấy một mình gồng gánh nuôi hai con ăn học.

Theo chân mẹ, bên trong Hoàng Văn Phúc sinh sôi tình yêu bóng đá từ lúc nào không hay. Những lần theo mẹ đến sân xem các cầu thủ Thể Công tập luyện và thi đấu, những câu chuyện của bà về các danh thủ lững lẫy thời đó là chiếc nôi đưa ông vào con đường bóng đá với màu áo lính. Chính vì thế ngay trong ngày nhận chức vô địch V.League, danh hiệu lớn nhất sự nghiệp của mình, ông Phúc đã không giấu được cảm xúc: “Đây là niềm vui chung nhưng tôi cũng muốn chia sẻ chức vô địch này cho mẹ tôi ở nhà. Bà đã lớn tuổi. Tôi cũng dành tặng chức vô địch cho vợ, con”.

Không có gì khó hiểu khi ông ghi danh ở Thể Công khi còn trong độ tuổi thiếu niên và nhanh chóng được lên đội một. Khán giả của thập niên 80 thường nhớ tới ông Phúc trong hình ảnh một trung vệ cần mẫn. Nhưng thực ra, vị trí sở trường của ông Phúc là hậu vệ biên. Do đội thiếu người nên ông được điều động đá ở vòng tròn giữa sân, nơi Nguyễn Sỹ Hiển – hiện là chủ tịch Hội đồng HLV Quốc gia nhận xét: “Phúc thu hồi bóng như thủ kho vậy”.

Tiếp theo, hàng thủ lại mất người còn ông Phúc không những có cái chân “ngoan” mà lại sở hữu chiều cao ấn tượng thời ấy (1m74) nên BLĐ “nhờ” ông đá trung vệ. Một lần và mãi mãi sau này.

Năm 1985, ông là người của Quân Khu 3 và đeo quân hàm ăn lương quân nhân. Tiêu chuẩn mỗi tháng là 7 hộp rưỡi sữa bò, thi thoảng có chút vải, quần kaki, phin tá. Cũng gọi là đủ nhưng bảo dư dả thì không, nhất là khi chàng thanh niên năm nào bắt đầu biết yêu.

Người con gái làm ông Phúc rung động tên Hà, xuất thân từ một nhà buôn dừa ở chợ Đồng Xuân. Anh ở Hải Phòng, chị ở Hà Nội, cứ đi đi về về tiền xe quá tiền lương. Nhưng tình cảm của đôi bên chỉ ngày thêm bền chặt chứ không thể bị chia cắt bởi khoảng cách hay những khó khăn kim tiền.

Thêm một chi tiết minh chứng cho tình cảm khăng khít của 2 người là sự xuất hiện của một cô trông thư viện ở Hải Phòng. Thời đó, ông Phúc là 1 trong số ít cầu thủ ham mê đọc sách. Ngoài những giờ tập luyện và thi đấu cùng đội bóng, cứ hễ khi nào rảnh là ông lại vào thư viện thành phố để tìm sách đọc.

Cảm mến anh chàng cầu thủ ham mê đọc sách, cô trông thư viện quê Nam Đồng (Hà Nội) đã phải lòng từ lúc nào không hay. Điều này làm ông cảm thấy vô cùng khó xử bởi tình cảm đã dành hết cho người yêu và chỉ xem cô trông thư viện như 1 người bạn, người em cùng sở thích với những quyển sách.

Khi tình yêu liên tục bị thử thách vì những lý do khác nhau, ông Phúc quyết định lập gia đình. Năm 1989, ông rời Quân Khu 3. Trong đầu ông văng vẳng một suy nghĩ “Chả nhẽ cứ cào đường, cào sữa ra mà ăn à?”. Ông tính chuyện giải nghệ, đổi hướng đi buôn đỡ gánh nặng tiền bạc. Đã có lúc, người ta thấy ông Phúc ngày ngày bán phở phụ vợ bầu bí.

Thế rồi cơ duyên dẫn ông Phúc đến với CLB Đường Sắt. Đến mùa giải, do bảng đấu diễn ra ở dọc miền Trung nên gia đình lại nghẹn ngào chia ly. Ông bôn ba trên các chuyến xe của đội từ Đà Nẵng tới Nha Trang rồi Buôn Mê Thuột suốt 3 tháng trời. Ngoài Hà Nội, bà Hà sinh con trai đầu lòng. Muốn liên lạc với chồng, bà Hà phải nhờ bố đẻ đạp xe chở ra bưu điện thành phố, “canh” điện thoại gọi về. Hơn 90 ngày ròng rã, bố không biết mặt con.

Lúc trở về, ông Phúc sửng sốt khi hay tin con trai chưa làm giấy khai sinh. “Em đợi anh về rồi mới đặt tên cho con”, bà Hà giải thích. Hoàng Văn Phúc đặt tên con là Trung, như để khắc ghi những ngày lênh đênh dọc khắp miền Trung.

Thời gian cứ thế trôi qua như cơn gió. 6 năm sau, hai vợ chồng đón bé gái thứ hai. Lần này, ông Phúc quyết tâm giải nghệ. Không hẳn là chuyện cơm áo gạo tiền bởi cửa hàng ô mai gia truyền của bà Hà đã có đồng ra đồng vào. Chỉ là, ông thấy mình quá tham lam. Đã đến lúc bù đắp cho gia đình, nhất là cháu thứ hai.

Mới lọt lòng, Linh (con gái ông Phúc) đã phải nhập viện. Khoảng 2-3 ngày tuổi gì đó. Bé mắc dịch tả, cứ 30 phút lại đi ngoài. Các bác sỹ phải truyền nước qua mạch máu trên đầu. Ông Phúc nhìn con mà nước mắt cứ ứa ra. Bà Hà kể, đến năm lớp 11, gia đình mới dám để cháu tự đi xe điện đến trường.

Nói vậy, chứ ông không bỏ hẳn bóng đá. Chỉ là chuyển đổi trạng thái công việc, sang công tác huấn luyện. Một lần nữa, cái guồng quay khắc nghiệt như tốc độ bay của trái bóng lặp lại.

Ông Phúc đi học đại học thể thao ở Từ Sơn, rồi chập chững cầm sa bàn. Học phí mỗi kỳ khoảng 700.000 đồng, bằng đúng tiền lương làm đào tạo trẻ ở Đường Sắt. Khi đội chuyển giao cho Ngân hàng Á châu, thu nhập tăng gấp đôi nhưng chẳng thấm vào đâu so với chi phí duy trì gia đình. Vai trò người vợ chẳng những không giảm đi, mà còn quan trọng hơn nhiều lần.

“Bà xã tôi năm-bờ-oăn”, ông hào hứng nói về người phụ nữ đã lặng lẽ đi cùng hơn nửa đời người. Từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ đều là bàn tay bà Hà. Bác Nguyễn Ngọc Hiển, ở cùng tổ dân phố nói đùa: “Chú Phúc chẳng biết gì ngoài công việc đâu. Ma chay hiếu hỉ đều vợ lo cả, đám giỗ nhà bạn chú Phúc cũng là cô Hà đến đại diện”.

Một dạo, bà Hà trầm cảm và suy nhược cơ thể, tụt 6-7kg. Chồng đi xa, con trai lớn bận việc, con gái út du học ở Italia, bà cứ quanh quẩn ở nhà, công to chuyện lớn gì cũng đến tay. Nhưng ốm mấy thì ốm, bà vẫn âm thầm vượt qua. Phải nói thêm bà Hà cũng hiểu biết về bóng đá và có thể chia sẻ về công việc của chồng. Gì chứ cứ trước mỗi trận đấu, bà không bao giờ quên thắp nén nhang cầu may cho đội bóng của ông Phúc. Bao năm rồi vẫn vậy.

Cảm động trước tình cảm và sự hi sinh của vợ, ông Phúc từng tâm sự nếu không theo nghiệp bóng banh thì chắc hẳn ông sẽ cùng bà làm ăn buôn bán, có thể là từ chính cửa hàng ô mai gia truyền mà bà vẫn đang một tay đảm đương. “Biết đâu tôi lại thành doanh nhân thành đạt ấy chứ”, HLV Hoàng Văn Phúc tươi cười chia sẻ.

Từ sâu thẳm trái tim, HLV Hoàng Văn Phúc luôn muốn một lần được xướng tên trên bục podium. Đó không đơn thuần là một định danh chuyên môn. Nó còn là món quà ông gửi tặng gia đình, là thông điệp ông muốn gửi gắm tới người phụ nữ đã ủng hộ mình suốt hai thập kỷ: Ông đã thành công với con đường mình chọn, dù đường tới vinh quang đầy chông gai.

Cuối cùng, Quảng Nam đã cho Hoàng Văn Phúc cơ hội ấy. Cờ đến tay, và ông không bỏ lỡ nó. Tất nhiên, cái phất cờ ấy không dễ dàng chút nào. Từng có lúc, những ký ức buồn đã ùa về, ở rất gần và ám ảnh ông Phúc đúng lúc, ông có quyền tin Quảng Nam nắm chắc chức vô địch trong tay.

Sau trận thắng Quảng Ninh 2-1, ông Phúc đã nhảy cẫng lên và òa khóc như đứa trẻ. Bởi ông biết, Quảng Nam đã nắm trong tay quyền tự quyết. Hôm ấy, Hữu Phước – người đá thay Thanh Hưng (nghỉ hết mùa vì chấn thương dây chằng) đã ghi một tuyệt phẩm từ cú sút xa 30m. “Ơn trời, tìm ra người thay Hưng rồi”, ông Phúc nghĩ thế trong đầu khi mùa giải đang bước vào đoạn nước rút mà nhà kiến tạo lối chơi lại vắng mặt.

Nhưng sau bàn thắng ấy, Phước lại đi đúng vào vết xe đổ của Hưng. Anh bị căng dây chằng và không thể đá trận quyết chiến ở Hàng Đẫy. 2/4 nhân tố chủ chốt tuyến giữa vắng mặt, để lại trách nhiệm nặng nề cho Huy Hùng. Y rằng, tuyến giữa của Quảng Nam không chịu nổi sức ép của Hà Nội và đội thua 0-1. Quyền tự quyết đổi chủ, đi từ Quảng Nam ra Hà Nội.

Đấy không phải bi kịch duy nhất. Sau trận gặp Hà Nội, Huy Hùng cũng nhập viện luôn. Vòng cuối, Quảng Nam coi như “chấp” TP.HCM hàng tiền vệ.

4 năm trước, những ca chấn thương ngoài tầm kiểm soát đã tước ghế HLV trưởng U23 Việt Nam của ông Phúc. Dương Thanh Hào trong một pha tiếp bóng đã tái phát chấn thương và lỡ SEA Games 27. Hôm đó, Hào khóc tu tu và gục vào vai ông Phúc. Trung vệ tin cẩn nhất vắng mặt, và phần còn lại là lịch sử.

Cuộc đời vẫn cứ luôn trớ trêu thế đấy. Nhưng số phận không bao giờ quay lưng với những người lạc quan và cầu tiến. Ở Tam Kỳ, Quảng Nam đã giương cao chức vô địch khi Hà Nội tự bắn vào chân mình ở Cẩm Phá.

1 tuần sau ngày đăng quang, ông Phúc lại cắp sách đi học tiếp khóa Pro AFC. Học xong, ông sẽ đáp ngay máy bay vào Chu Lai để chuẩn bị mùa giải mới. Hơn ai hết, ông không muốn Quảng Nam 2017 chỉ là ánh sao băng lóe lên rồi chợt tắt.

Nguồn: http://bongdacuocsong.net (tổng hợp)

NHÀ TÀI TRỢ CÁC GIẢI QUỐC GIA