Báo cáo sửa đổi Quy chế bóng đá chuyên nghiệp: Cần chặt chẽ và hoàn thiện hơn

Hôm nay (03/10), Hội thảo bóng đá chuyên nghiệp đã kết thúc ngày làm việc cuối cùng với phần Báo cáo sửa đổi quy chế bóng đá chuyên nghiệp…

03/10/2005 00:00:00
Hôm nay (03/10), Hội thảo bóng đá chuyên nghiệp đã kết thúc ngày làm việc cuối cùng với phần Báo cáo sửa đổi quy chế bóng đá chuyên nghiệp do Phó Tổng thư ký, Trưởng BTC giải Dương Nghiệp Khôi, Trưởng Ban bóng đá chuyên nghiệp Dương Vũ Lâm và Phó phòng Pháp lý và tư cách cầu thủ Nguyễn Mỹ Dung trình bày cũng như tiếp nhận ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự.

Quang cảnh buổi Hội thảo – Ảnh: Quang Thắng

Đây là bản Quy chế được soạn thảo và tuân thủ chặt chẽ theo các Nghị định, Luật lao động cũng như những quy định của FIFA, nhằm mục đích nâng cao trình độ quản lý, điều hành bóng đá chuyên nghiệp của LĐBĐVN và các tổ chức bóng đá có liên quan, vì mục tiêu chung là nâng cao trình độ của nền bóng đá Việt Nam.
So với bản Quy chế bóng đá chuyên nghiệp cũ, trong bản Quy chế lần này, các quy định về kỷ luật của LĐBĐVN đã được tách riêng để phù hợp hơn với mô hình tổ chức mới của Liên đoàn  (theo 2 cấp Quản lý và Điều hành), đồng thời cũng giúp cỗ máy bóng đá chuyên nghiệp vận hành trơn tru và hiệu quả hơn.
Điểm mới đáng chú ý đầu tiên của bản Dự thảo này đó là nâng cấp giải hạng Nhất QG, Cúp Quốc gia, Siêu Cúp QG và các hình thức Giải khác, do LĐBĐVN tổ chức, có sự tham dự của các CLB bóng đá chuyên nghiệp vào Hệ thống Giải bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam (trước đây, giải bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam chỉ bao gồm giải VĐQG).
Việc đưa giải Hạng Nhất vào hệ thống thi đấu chuyên nghiệp là một bước tiến mới, nhằm đảm bảo lợi ích chính đáng cho các CLB thuộc hạng đấu này, cũng như tăng chất lượng chuyên môn của giải. Quyết định này đã nhận được sự nhất trí, đồng tình của đa số các đại biểu.
Tuy nhiên, một vướng mắc đã nảy sinh liên quan đến vấn đề này, bởi theo Điều 5, mục 1 của Quy chế BĐCN (bản cũ) quy định CLB bóng đá chuyên nghiệp là một doanh nghiệp hoặc một đơn vị của doanh nghiệp, trong khi đó, hầu hết các CLB hạng Nhất lại thuộc sự quản lý và điều hành của Sở TDTT địa phương, nên không thể gọi đó là một danh nghiệp kinh doanh và kiếm lợi từ bóng đá. Quy định này đã được các đại biểu giải hạng Nhất thảo luận rất nhiều và cho rằng chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến về Dự thảo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp – Ảnh: QT
Đã tính trước đến mâu thuẫn này, nên trong điều 5 Dự thảo quy chế bóng đá chuyên nghiệp ghi rõ: Thời gian chuyển tiếp để các CLB tham gia Hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp chuyển đổi hình thức pháp lý sao cho phù hợp với quy định trên là 02 mùa giải.
Và để tạo điều kiện thuận lợi cho các CLB, LĐBĐVN sẽ cân nhắc nghiên cứu và tổng hợp ý kiến trình BCH để có quyết định cuối cùng về thời gian chuyển đổi, sao cho phù hợp với tình hình chung. Trưởng Ban bóng đá chuyên nghiệp Dương Vũ Lâm  nhấn mạnh: SDù còn có những khó khăn, vướng mắc, nhưng chúng ta phải thống nhất một lộ trình rõ ràng để hướng đến đích cao nhất là bóng đá chuyên nghiệp⬝.
Những quy định về tài chính áp dụng đối với các CLB chuyên nghiệp cũng là một đề tài được thảo luận sôi nổi. Đã có nhiều ý kiến trái ngược tại cuộc Hội thảo hôm nay, trong đó các đại biểu tập trung vào 2 vấn đề: kinh phí hoạt động tối thiểu mà các CLB phải đảm bảo khi tham gia bóng đá chuyên nghiệp và thu nhập tối thiểu của HLV, cầu thủ chuyên nghiệp làm việc tại các CLB. Sau khá nhiều thời gian thảo luận, Hội nghị tạm thời thống nhất theo đúng Quy định của bản Dự thảo, đó là: CLB bóng đá chuyên nghiệp phải đảm bảo kinh phí hoạt động tối thiểu 8 tỷ đồng/năm đối với CLB thuộc giải VĐQG và tối thiểu là 4 tỷ đồng/năm đối với CLB thuộc giải hạng Nhất QG. Đặc biệt, CLB BĐCN không đáp ứng yêu cầu về kinh phí sẽ bị chuyển xuống thi đấu ở hạng có mức kinh phí phù hợp và bị thay thế bằng CLB đảm bảo được yêu cầu về kinh phí hoạt động, có thứ hạng cao ở hạng liền kề dưới hạng có CLB BĐCN không đáp ứng yêu cầu kinh phí.

Phó TTK Dương Nghiệp Khôi và Phó phòng Pháp lý và Tư cách cầu thủ Nguyễn Mỹ Dung trình bày báo cáo sửa đổi Quy chế bóng đá chuyên nghiệp – Ảnh: QT

Về thu nhập tối thiểu của HLV, cầu thủ chuyên nghiệp, tuy chưa thật sự đồng nhất quan điểm, nhưng các đại biểu cũng thông qua mức tối thiểu 6 triệu đồng/tháng đối với HLV và cầu thủ tham gia giải VĐQG; tối thiểu 4 triệu đồng/tháng đối với HLV và cầu thủ thuộc giải hạng nhất QG. Theo Phó tổng thu ký, Trưởng BTC giải Dương Nghiệp Khôi, mức thu nhập trên là hợp lý đối với hoạt động bóng đá chuyên nghiệp.

Cũng liên quan đến HLV chuyên nghiệp và cầu thủ chuyên nghiệp, chương III, điều 18.2 quy định: Cầu thủ chuyên nghiệp dưới 18 tuổi có thể ký hợp đồng với một CLB trong thời hạn tối đa là 3 năm, bất kỳ hợp đồng nào có thời hạn dài hơn đều không được LĐBĐVN công nhận.
Điều này cũng gây nhiều băn khoăn cho lãnh đạo các CLB bởi liên quan đến quyền lợi sở hữu cầu thủ trẻ được CLB đầu tư đào tạo. Tuy nhiên đây lại là quy định của Bộ luật lao động Việt Nam nên các CLB cần phải tuân thủ. Để tránh thiệt thòi cho các CLB sở hữu cầu thủ trẻ do mình đào tạo, Ban bóng đá chuyên nghiệp đã tư vấn cho các CLB nên ký hợp đồng đào tạo đối với cầu thủ của mình cho đến khi cầu thủ đó 21 tuổi thì mới ký hợp đồng chuyên nghiệp. Như vậy, CLB vừa có thể giữ được cầu thủ của mình, vừa không vi phạm quy định trên.
Một điểm mới nữa đáng chú ý của bản Dự thảo là các CLB cần phải có một Điều phối viên của trận đấu và do CLB trực tiếp quản lý. Điều phối viên trận đấu là người phụ trách chuyên môn về công tác tổ chức thi đấu của BTC trận đấu, tham mưu cho lãnh đạo CLB, đại diện CLB để phối hợp với thành viên của giải..v.v. Đây là môt quy định mang tính bắt buộc nếu muốn làm bóng đá chuyên nghiệp. Nếu cần, LĐBĐVN sẽ đứng ra tập huấn và đào tạo Điều phối viên cho các CLB.
Một điểm khác nữa so với bản Quy chế cũ, bản Dự thảo Quy chế năm nay đã tách riêng ra phần kỷ luật, trong đó kèm theo những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với cơ cầu tổ chức của LĐBĐVN. Đáng ghi nhận là trong trận đấu, trọng tài sẽ là người áp dụng các biện pháp kỷ luật. Các trường hợp kỷ luật khác thuộc thẩm quyền xử lý của Ban kỷ luật. Tuy nhiên, quyết định của Ban kỷ luật có thể bị khiếu nại trước Ban giải quyết khiếu nại LĐBĐVN.
Theo dự kiến, chậm nhất là 10/10, các ý kiến đóng góp, kiến nghị của các CLB về Dự thảo bóng đá chuyên nghiệp và Quy định về kỷ luật của LĐBĐVN phải được gửi đến Phòng pháp lý và tư cách cầu thủ để LĐBĐVN hoàn thiện và chính thức ban hành. (VFF)