Ngăn chặn pháo sáng trong SVĐ: Quan trọng nhất vẫn là ý thức của khán giả hâm mộ

Sau sự cố cổ động viên quá khích đốt hàng loạt pháo sáng ở trận đấu giữa Hà Nội FC và Hải Phòng trên sân Hàng Đẫy tại vòng 6 giải VĐQG Wake-Up 247 2019, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh đã có những chia sẻ xung quanh những hiểm hoạ khó lường khi pháo sáng bị sử dụng sai mục đích.

Với nhiệt độ từ 1.200 đến 3.000 độ C, dễ gây cháy và bắt cháy, pháo sáng thực sự là mối hiểm hoạ khôn lường khi sử dụng ở chỗ đông người như tại sân vận động.

Ông Lê Hoài Anh cho biết: “Dù pháo sáng không phải vật phẩm bị cấm mua bán do có chức năng trong cứu hộ cứu nạn ở hoạt động hàng hải, nhưng việc sử dụng chúng trong sân vận động với không gian chật hẹp cùng nguồn nhiệt có thể phát lên đến hàng nghìn độ C thì khả năng có thể gây bỏng, thương tích, hoảng loạn đám đông, thậm chí là tai nạn chết người đối với các CĐV trong sân là có thể xảy ra. Do vậy, việc mang pháo vào sân và đốt, gây nguy hiểm cho người xung quanh là điều cấm đối với các cổ động viên.

Quan điểm từ phía LĐBĐ Việt Nam là chúng tôi không hoan nghênh những người đốt pháo sáng ở sân bóng đá. Có thể với họ, việc đốt pháo sáng là để thể hiện cái tôi, cái nổi bật nhưng điều đó có thể mang đến nhiều nguy cơ, tác hại dành cho nhiều người hâm mộ xung quanh. Chúng ta biết rằng LĐBĐ châu Á (AFC) phạt tiền rất nặng đối với các sân thi đấu xảy ra tình trạng đốt pháo sáng, thậm chí là tính cấp số nhân tiền phạt nếu nhiều quả pháo sáng đốt lên. Bản thân VFF cũng đã nhiều lần phải nộp phạt vì điều đó.

Cá nhân tôi nghĩ rằng đây là vấn đề về mặt nhận thức của người hâm mộ. Khán giả không nên sử dụng một trận bóng đá làm môi trường để thể hiện cái tôi không đúng cách. Và chúng ta cũng nên xem xét liệu đó có phải là CĐV thực sự hay chỉ là muốn thể hiện nổi bật cái tôi cá nhân của mình”.

Liên quan đến các biện pháp hạn chế việc CĐV quá khích đốt pháo sáng, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh chia sẻ: “VFF đã có văn bản gửi lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để kiến nghị Bộ Công an cũng như UBND các tỉnh, thành phố có đội bóng thi đấu ở V.League nhằm chỉ đạo sát sao hơn. Bản thân CLB cũng cần trao đổi với ủng hộ viên, cổ động viên về những cách văn minh trong cổ động chứ chẳng cứ phải đốt pháo sáng. Thêm vào đó, hy vọng rằng, chính quyền địa phương cũng sẽ hỗ trợ cho CLB tốt hơn trong việc tổ chức các trạn đấu. Quan trọng hơn nữa nằm ở ý thức. Chúng tôi cũng hy vọng rằng một số người hâm mộ đừng thách thức về phía BTC, vượt qua những quy định mà BTC giải đã đưa ra. Bởi thực sự, pháo sáng là nguy cơ tiềm ẩn gây ra tai nạn cho những người xung quanh”.

Ngoài ra, ông Lê Hoài Anh cũng cho biết việc sử dụng camera ghi hình, nhận diện đối tượng khởi phát đốt pháo sáng nhằm ngăn chặn, kiểm soát tình hình là một ý tưởng tốt. VFF sẽ trao đổi với phía Ban điều hành V.League để xem tính khả thi thế nào. Thực tế ở một số quốc gia, các đối tượng đốt pháo sáng đã bị cấm đến sân bóng đá.

Những tai nạn thương tâm vì pháo sáng

Ở Việt Nam, trường hợp bị bỏng nặng nhất do đốt pháo sáng trong sân vận động là trường hợp của một CĐV Hải Phòng trong trận đấu giữa ĐT Việt Nam và ĐT Indonesia trên SVĐQG Mỹ Đình ngày 7/12/2016. Sau tai nạn do chính mình gây ra, CĐV này đã phải nằm ở Viện bỏng Quốc gia 1 tháng và phải trải qua 2 ca phẫu thuật ghép da, ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và sức khoẻ.

Trên thế giới cũng đã có không ít những tai nạn vô cùng đáng tiếc vì pháo sáng. 4 trường hợp sau đây có thể khiến những người từng thích đốt pháo sáng trong sân nên suy nghĩ lại về hành động của mình.

– Năm 1992, Guillem Lazaro (13 tuổi), người Tây Ban Nha, qua đời vì một quả pháo sáng phát nổ ngay trước ngực tại 1 SVĐ ở Barcelona.

– Năm 1993, ông John Hill (67 tuổi) qua đời sau khi bị trúng một quả pháo sáng dùng trong hải quân ở trận Xứ Wales gặp Romania. Hai người đàn ông sau đó đã thừa nhận tội giết người và bị bắt giam.

– Năm 2013, một cậu bé 14 tuổi qua đời vì một quả pháo sáng phát nổ trong trận đấu của đội Corinthians.

– Năm 2015, thủ môn Igor Akinfeev của Nga bị ném pháo sáng vào đầu trong trận đấu giữa Montenegro và Nga, khiến trọng tài phải cho dừng trận đấu 33 phút để các bác sĩ chăm sóc cho Igor Akinfeev. Thủ môn số 1 của tuyển Nga buộc phải rời sân bằng cáng và được chuyển thẳng tới bệnh viện ngay sau đó.

 

NHÀ TÀI TRỢ CÁC GIẢI QUỐC GIA