Ông Lê Khánh Hải – Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, Chủ tịch VFF: “Bóng đá Việt Nam phải tiếp tục hướng tới các mục tiêu cao hơn”

Bóng đá Việt Nam khép lại năm 2018 với rất nhiều thành công vượt bậc, đồng thời, mở ra nhiều hy vọng tốt đẹp cho tương lai. Nhân đầu Xuân mới, báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Khánh Hải – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Chủ tịch VFF về phương hướng và các mục tiêu lớn mà bóng đá nước nhà hướng đến trong thời gian tới đây.

01/02/2019 15:20:37

– Thể thao & Văn hóa: Trước tiên, xin được chúc mừng ông sau khi được Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa VIII bầu vào chức vụ Chủ tịch. Trên cương vị là người đứng đầu tổ chức này, xin ông cho biết đánh giá về bóng đá Việt Nam trong năm vừa qua và cảm nhận về công việc của mình trong nhiệm kỳ 2018-2022?

+ Ông Lê Khánh Hải – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Chủ tịch VFF: Bóng đá Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong năm 2018 mà cụ thể ở đây chính là thành tích của đội tuyển U23 quốc gia, đội tuyển quốc gia tại giải vô địch U23 châu Á, ASIAD 18 và AFF Suzuki Cup. Trong đó, điểm nhấn chính là ngôi vô địch khu vực mà thầy trò huấn luyện viên (HLV) Park Hang Seo đã mang về sau tròn một thập kỷ chờ đợi của người hâm mộ nước nhà, cũng như đội ngũ những người làm công tác chuyên môn.

Ông Lê Khánh Hải – Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, Chủ tịch VFF

Nhìn lại những chiến công mà bóng đá Việt Nam giành được trong năm, đông đảo người hâm mộ nước nhà đều cảm thấy tự hào, thể hiện qua hình ảnh hàng triệu người dân trên mọi miền Tổ quốc đã đổ ra đường chia vui với đội tuyển Việt Nam. Đó chính là điều mà đội ngũ những người làm chuyên môn luôn chờ đợi và coi đó là động lực để không ngừng phấn đấu, vươn lên.

Về phần cá nhân, tôi cũng rất tự hào về những gì mà bóng đá Việt Nam đạt được và khi nhận được sự tín nhiệm của 100% đại biểu bầu vào vị trí Chủ tịch VFF, tôi càng cảm nhận rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình với bóng đá Việt Nam. Tôi tâm niệm rằng, với vai trò là người đứng đầu VFF, mình sẽ cố gắng phát huy những gì tốt đẹp mà các nhiệm kỳ trước đã làm được, đồng thời nỗ lực khắc phục những mặt hạn chế, tất cả cùng hướng tới mục đích chung là sự thành công của bóng đá Việt Nam. 

– Bóng đá Việt Nam đã trải qua một năm đầy thành công và ngoài tài cầm quân của HLV Park Hang Seo thì lý do chính là nhờ vào tài năng của một thế hệ trẻ đầy triển vọng. Điều này liệu có làm thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách định hướng của VFF trong công tác đào tạo trẻ – mảng công tác vẫn được coi là yếu nhất và còn tồn tại nhiều hạn chế ở nhiều năm trước đây?

+ Sau thành công này, VFF sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá để rút ra bài học kinh nghiệm nhằm điều chỉnh các kế hoạch tiếp theo cho phù hợp với tình hình thực tiễn và không phải vì thành công vượt bậc mà thiếu nghiêm túc trong nhìn nhận những gì còn chưa làm được.

Trên cương vị của mình, cùng với BCH, cùng đội ngũ chuyên môn ở VFF, chúng tôi sẽ bàn bạc, tìm ra giải pháp, phương hướng cụ thể để hỗ trợ và khuyến khích các trung tâm đào tạo bóng đá, các đội bóng tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo trẻ; tiếp tục mở thêm các lớp nâng cao trình độ cho các HLV trong công tác đào tạo trẻ; đẩy mạnh việc tổ chức các giải trẻ quốc gia theo phương thức xã hội hóa, qua đó phát hiện và bổ sung lực lượng VĐV cho các đội tuyển trẻ.

Bên cạnh đó, điều tôi thực sự mong muốn là phong trào bóng đá học đường, bóng đá cộng đồng sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Điều đó vừa góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc của các em như mục tiêu của Đề án nâng cao thể lực tầm vóc người Việt Nam, vừa góp phần giúp bóng đá Việt Nam phát triển được chân đế vững chắc.

– Đào tạo trẻ là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng các ĐTQG, nhưng yếu tố then chốt có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới chất lượng cả nền bóng đá thì lại là các giải đấu quốc nội. V-League những năm gần đây theo đánh giá và cảm nhận của ông như thế nào?

+ Các giải đấu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam nói chung và V-League nói riêng thời điểm này đã phát đi những tín hiệu khởi sắc hơn so với các năm gần đây về chất lượng chuyên môn và công tác tổ chức.

Những mặt tích cực này cho thấy giải đấu chuyên nghiệp số 1 của bóng đá Việt Nam đang dần tiệm cận với chuẩn quốc tế sau rất nhiều nỗ lực của VPF. Dù vậy, vẫn còn nhiều điểm hạn chế chung chưa khắc phục được mà chúng ta đều thấy rõ như lượng khán giả tới sân chưa cao, chưa ổn định hay nói cách khác là giải đấu chưa tạo nên sức hút mạnh mẽ với người hâm mộ.

Chất lượng đội ngũ trọng tài không đồng đều dẫn đến có trường hợp sai sót gây phản ứng tiêu cực của HLV, cầu thủ và khán giả làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của giải đấu. Tình trạng mất an ninh an toàn, đốt pháo sáng trên khán đài do các CĐV quá khích gây ra còn chưa xử lý triệt để. Tính chuyên nghiệp ở một vài đội bóng, cầu thủ, HLV vẫn còn thấp dẫn đến cách hành xử, ứng xử trong thi đấu thiếu fair-play, phản cảm. Cơ sở vật chất của hệ thống sân bãi và mặt sân của quá nửa số đội bóng V-League không đáp ứng được tiêu chuẩn của AFC.

Dù không thể lập tức khắc phục được toàn bộ các hạn chế này, nhưng VFF, VPF cùng với các bộ phận chức năng sẽ thật quyết liệt giải quyết từng bước trong mùa giải tới.

– Những thành tích vượt bậc của bóng đá Việt Nam trên đấu trường khu vực và châu lục đang khiến cho người hâm mộ liên tưởng tới giấc mơ World Cup vào năm 2026. Ông có cho rằng, đó là một giấc mơ có thể trở thành hiện thực của bóng đá Việt Nam?

+ Trong bóng đá thì khó có thể nói trước bất cứ điều gì, tuy nhiên, sau khi đạt được thành công ở mức độ này, chúng ta cần đặt ra những mục tiêu cao hơn để phấn đấu và để kích thích sự phát triển hơn nữa bởi điều đó phù hợp với quy luật. Dưới góc độ vĩ mô, trong Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mà Chính phủ đã phê duyệt từ năm 2013 cũng đã đặt ra mục tiêu lọt vào Top 15 vào năm 2020, sau đó là Top 10 châu Á vào năm 2030. Vậy nên, cần tiếp tục bám sát chiến lược, xây dựng kế hoạch một cách đồng bộ để hiện thực hóa các mục tiêu này.

Để làm được điều đó, đòi hỏi sự vào cuộc với quyết tâm cao và nỗ lực bền bỉ của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn, các doanh

nghiệp, tập đoàn và tất cả những người làm bóng đá, người yêu bóng đá trên cả nước. Trong đó, VFF vừa có vai trò xây dựng chương trình hành động cụ thể từng thời điểm, tổ chức thực hiện từng giai đoạn, vừa có vai trò làm cầu nối, kết nối, kêu gọi mọi người cùng chung tay góp sức cho bóng đá.

Tôi thấy rất mừng, khi bóng Việt Nam nhận được sự quan tâm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, của nhiều bộ ban ngành, cũng như đông đảo người hâm mộ. Đặc biệt là sự quan tâm của cá nhân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với sự phát triển chung của bóng đá Việt Nam. Tôi rất tâm đắc với phát biểu của Thủ tướng “Chiến thắng là quan trọng nhưng niềm tin của người dân vào HLV và đội tuyển còn lớn lao hơn”.

Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để đáp lại yêu cầu, cũng như sự tin tưởng này. Còn với giấc mơ World Cup, tôi cũng hi vọng một ngày nào đó bóng đá Việt Nam sẽ đến được với sân chơi này. Chúng ta sẽ nỗ lực bằng mọi khả năng của mình nếu như có cơ hội.

– Xin cảm ơn ông Lê Khánh Hải và xin được chúc cho bóng đá Việt Nam tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong nhiệm kỳ này!

Nguồn: Thể thao Văn hóa