Nhìn lại bóng đá Việt Nam năm 2017: Sức sống từ các đội tuyển trẻ

Bóng đá Việt Nam chuẩn bị kết thúc một năm hoạt động, với những ấn tượng nổi bật về sự vươn lên mạnh mẽ của các đội tuyển trẻ tại đấu trường châu lục. Dù vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, nhưng những thành tựu không thể phủ nhận trong năm qua đã vun đắp thêm niềm tin về bước tiến mới của bóng đá Việt Nam trong giai đoạn tới.

02/01/2018 14:17:47

1. Năm đại thắng của các đội tuyển trẻ

ĐT U23 Việt Nam giành quyền tham dự VCK U23 châu Á

Năm 2017, LĐBĐVN tập trung 11 đội tuyển với nhiều đợt tập huấn để thực hiện nhiệm vụ. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước cho các Đội tuyển Quốc gia, LĐBĐVN đã chủ động xây dựng kế hoạch, huy động tối đa các nguồn tài trợ để đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm cho các đội tuyển, đặc biệt là ưu tiên các đội tuyển trẻ để tham gia các đấu trường quốc tế. Từ công tác xã hội hóa, LĐBĐVN đã vận động được nguồn kinh phí để đảm bảo đầu tư tổ chức tập huấn cho các đội tuyển và tuyển trẻ tại một số quốc gia có nền bóng đá phát triển, chuẩn bị cho các giải đấu quan trọng của khu vực cũng như châu lục. Nhờ có sự chủ động và đổi mới trong công tác chuẩn bị, các Đội tuyển đã được tạo điều kiện tham gia nhiều sự kiện tập huấn, thi đấu giao hữu quốc tế nhằm đảm bảo đáp ứng thực hiện nhiệm vụ của các đội tuyển.

Căn cứ vào kế hoạch hoạt động được thống nhất với Ban huấn luyện các đội tuyển và được sự tư vấn đóng góp của Hội đồng Huấn luyện viên Quốc gia, công tác chuẩn bị cho các đội tuyển tham dự các giải đấu quốc tế tương ứng được đánh giá đảm bảo các yêu cầu về chuyên môn, từ đó giúp cho các đội tuyển thi đấu đạt được các mục tiêu đặt ra. Cụ thể: trong năm 2017, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia tại châu Á có 6 đội tuyển giành quyền tham dự VCK các giải đấu châu Á gồm: Đội tuyển nam Quốc gia giành quyền tham dự VCK Asian Cup 2019; Đội tuyển nữ Quốc gia giành quyền tham dự VCK Asian Cup nữ 2018; Đội tuyển U23 Quốc gia giành quyền tham dự VCK U23 châu Á 2018; Đội tuyển U19 Quốc gia giành quyền tham dự VCK U19 châu Á 2018; Đội tuyển U16 Quốc gia giành quyền tham dự VCK U16 châu Á 2018 và Đội tuyển futsal nam Quốc gia giành quyền tham dự VCK futsal châu Á 2018.        

ĐT U15 Việt Nam vô địch Đông Nam Á

Bên cạnh đó, Đội tuyển U15 Quốc gia cũng xuất sắc giành ngôi vô địch Đông Nam Á 2017, Đội tuyển nữ Quốc gia giành Huy chương Vàng SEA Games 29, đội tuyển Futsal nữ giành huy chương Bạc SEA Games 29, đội tuyển Futsal nam giành huy chương Đồng SEA Games 29.

ĐT nữ Việt Nam giành HCV bóng đá nữ SEA Games 29

Tuy vậy, sự việc Đội tuyển  U22 Quốc gia khi không vượt qua được vòng bảng môn bóng đá nam SEA Games 2017 bị đánh giá là không đáp ứng được sự kỳ vọng của đông đảo người hâm mộ, kéo theo những tác động tiêu cực đến kết quả hoạt động cũng như hình ảnh của LĐBĐVN trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời cũng đặt ra nhiều bài học kinh nghiệm về công tác chuyên môn trong giai đoạn thi đấu.

2. Các giải chuyên nghiệp Quốc gia: Nỗ lực nâng cao chất lượng

Song song với những thành tích của các đội tuyển QG, trong năm vừa qua, công tác tổ chức thi đấu các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia cũng luôn được chú trọng. V-League 2017 đã chứng kiến cuộc đua kịch tính nhất từ trước đến nay với ngôi vô địch thuộc về hiện tượng Quảng Nam FC.

Nhìn chung chất lượng chuyên môn của cả 3 giải đấu tại mùa giải 2017  đều đạt được sự ổn định và có hướng phát triển tích cực, cầu thủ các CLB đều thể hiện tinh thần thi đấu nhiệt tình, quyết tâm. Sự tương quan, đồng đều về lực lượng của các CLB tham dự giải đã tạo ra sự đua tranh sôi nổi, hấp dẫn trong nhiều trận đấu. Các số liệu chuyên môn về bàn thắng, thẻ phạt ở cả 3 giải đấu và số lượng khán giả ở giải HNQG và Cúp QG đều ổn định ở mức tích cực. Đáng ghi nhận, 100% các trận đấu tại giải VĐQG trên nhiều kênh sóng của đài truyền hình của Quốc gia, địa phương và kênh truyền thông thông đa nền tảng – VPF Media của Công ty VPF, các trận đấu đều được chuẩn hóa theo tín hiệu quốc tế. Tỉ lệ truyền hình trực tiếp các trận đấu của giải HNQG cũng đạt ở mức 52% và ở giải Cúp QG là 59%. Kênh truyền thông trực tuyến trên Youtube, phát trực tiếp các trận đấu của các Giải Bóng đá chuyên nghiệp trên kênh VPF Media (www.vpfmedia.com) tiếp tục đạt hiệu quả cao, thu hút được hàng triệu lượt khán giả theo dõi.

Các giải đấu chuyên nghiệp cũng đã được VFF và công ty VPF phối hợp hiệu quả, là tiền đề cho các đội tuyển sắp xếp hợp lý thời gian tập huấn và làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề phải khắc phục như: Sai sót của trọng tài còn diễn ra khá nhiều tại lượt đi và những vòng đấu trong giai đoạn gần cuối của giải;vẫn còn những hành vi thi đấu phi thể thao, phạm lỗi nghiêm trọng hoặc lối chơi thô bạo của 1 số cầu thủ; một bộ phận khán giả cần nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp trong cổ vũ…

3. Đào tạo trẻ và tạo nguồn nhân lực tiếp tục được chú trọng

Hiện nay cùng với sự đầu tư của nhà nước, VFF đang tập trung đầu tư 2 đội dự tuyển bóng đá nữ trẻ (do điều kiện đào tạo ở địa phương có nhiểu khó khăn), góp phần tạo nguồn cầu thủ kế cận cho các đội tuyển bóng đá nữ quốc gia để duy trì vị thế bóng đá nữ hàng đầu ĐNA và phấn đấu đạt những mục tiêu cao hơn trong thời gian tới. 

Bên cạnh đó, VFF cũng hỗ trợ các CLB, các Trung tâm đào tạo bóng đá trong công tác đào tạo trẻ thông qua các cuộc hội thảo định hướng phát triển bóng đá trẻ do các chuyên gia có kinh nghiệm trong nước và quốc tế giảng dạy. Các khóa học HLV bóng đá chứng chỉ C,B, A của AFC, khóa học đào tạo giảng viên HLV AFC, khóa học HLV futsal cấp 2 AFC, Hội thảo đào tạo VĐV bóng đá trẻ, khóa học dành cho các trọng tài hàng đầu Việt Nam và mới đây nhất là khóa HLV bóng đá chuyên nghiệp AFC cũng được hoàn thành sau 26 tháng với 4 giai đoạn, qua đó góp phần hoàn thiện và nâng cao trình độ cho các HLV bóng đá Việt Nam căn cứ theo quy định của AFC về tiêu chuẩn các HLV khi tham dự các giải bóng đá chính thức của AFC (cấp độ đội tuyển, CLB) trong thời gian tới.

Với những cố gắng đó, nhìn chung công tác đào tạo HLV bóng đá về cơ bản đã tạo ra sự hỗ trợ tích cực đối với các CLB/Trung tâm/Sở VH-TT-DL trên cả nước trong công tác đào tạo trẻ.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại điểm hạn chế là nhiều CLB chưa tổ chức đào tạo cầu thủ trẻ các lứa tuổi đầy đủ theo quy định. Chủ yếu là liên kết với các Trung tâm, Sở VH-TT-DL nên rất bị động trong việc sử dụng và tuyển chọn cầu thủ trẻ cũng như kế hoạch tạo nguồn kế cận và củng cố lực lượng đội 1 trong những năm tiếp theo.

Đây cũng là điều VFF rất trăn trở bởi thực trạng là vẫn còn nhiều CLB/Đội bóng chưa tháo gỡ được khó khăn về kinh phí hoạt động cũng như chiến lược đầu tư cho phát triển bóng đá trẻ.

4. Kết quả nổi bật năm 2017:

– 6 đội tuyển giành quyền tham dự VCK châu Á:

+ ĐT nam Quốc gia giành quyền tham dự VCK Asian Cup 2019;

+ ĐT nữ Quốc gia giành quyền tham dự VCK Asian Cup nữ 2018;

+ ĐT U23 Quốc gia giành quyền tham dự VCK U23 châu Á 2018;

+ ĐT U19 Quốc gia giành quyền tham dự VCK U19 châu Á 2018;

+ ĐT U16 Quốc giành quyền tham dự VCK U16 châu Á 2018;

+ ĐT futsal nam Quốc gia giành quyền tham dự VCK futsal châu Á 2018.

– Các giải thưởng:

+ Giải thưởng Liên đoàn bóng đá châu Á dành cho Việt Nam: Liên đoàn bóng đá của năm (các nước đang phát triển);

+ Giải thưởng LĐBĐ xuất sắc nhất Đông Nam Á;

+ Giải thưởng Giấc mơ châu Á (Dream Asia Award) dành cho dự án bóng đá cộng đồng tại Việt Nam (FFAV);

+ Giải thưởng HLV bóng đá nữ xuất sắc nhất năm (HLV Mai Đức Chung);

+ Giải thưởng nữ trợ lý trọng tài xuất sắc nhất năm (Nữ trợ lý trọng tài Trương Thị Lệ Trinh);

+ Giải thưởng Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm (Cầu thủ Đoàn Văn Hậu);

+ Giải thưởng Cầu thủ được lựa chọn vào đội hình tiêu biểu của AFF Suzuki Cup (Cầu thủ Nguyễn Trọng Hoàng);

+ Được đề cử vào danh sách rút gọn Giải thưởng Chủ tịch AFF công nhận về LĐBĐ thành viên có bóng đá phong trào phát triển của năm.