Nữ cầu thủ Syria: Còn bóng đá là còn sự sống

Nữ Syria thua đậm nhưng đối với họ, kết quả một trận đấu không quan trọng bằng việc chứng tỏ cho thế giới thấy rằng sự sống vẫn tồn tại ở một đất nước chìm trong nội chiến.

11 bàn thua không gỡ. 0 cú sút trúng khung thành. 2 lần thủ môn đối phương chạm bóng, chỉ để phát bóng lên. Đó là những con số thống kê nghèo nàn đến mức hài hước về một trận đấu của đội tuyển nữ Syria.

Người không chứng kiến 90 phút ấy có thể bình luận thế này: Syria không biết đá bóng. Cũng đúng, họ có phải cầu thủ bóng đá đâu! Nhưng sẽ không ai hiểu rằng các cô gái Syria đã chuẩn bị sẵn tâm thế “rổ đựng bóng” chỉ để truyền đi thông điệp: đất nước tôi vẫn còn đang sống!

Nỗi buồn của các cầu thủ Syria. Nhưng họ có quyền tự hào vì đã có mặt tại đây, trong một giải đấu chính thức để thế giới biết rằng Syria vẫn đang tồn tại. Ảnh: Quốc Bảo.

Hơn 6 năm qua, cuộc nội chiến tàn khốc và dai dẳng đã tàn phá Syria. Từ thủ đô Damascus đến vùng giáp biên với Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả bao phủ bởi bom mìn, khói lửa và chết chóc. Thế giới nghĩ đến Syria là nghĩ đến những tiếng nổ rền vang, những ánh mắt hoang hoải, những vệt máu loang…

Nhưng người Syria không chết. Bằng chứng là bóng đá vẫn còn tồn tại, dù nó tồn tại theo kiểu tha hương, vật vờ và hầu như không có tương lai.

Năm ngoái, đội tuyển nam của Syria đã đến Việt Nam giao hữu. Dù thất bại 0-2 dưới tay thầy trò Hữu Thắng, Syria vẫn để lại ấn tượng ngọt ngào về những người đàn ông mắt xanh và sâu thẳm.

Chiều hôm qua, đội tuyển nữ Syria có trận đấu thứ 2 chính thức, sau 11 năm xa rời mọi đấu trường quốc tế. Họ tham dự vòng loại bảng D giải vô địch châu Á 2018, tất nhiên là với mục tiêu cọ xát và… điểm danh.

Nour Jraes là cầu thủ Syria hiếm hoi nói được tiếng Anh. Vì thế, cô kiêm luôn phiên dịch cho đoàn. Cô kể rằng để có mặt tại Việt Nam, đội tuyển Syria đã phải tập trung 6 tháng tại thủ đô Muscat (Oman) với lực lượng là những con người đam mê và có thể chơi bóng đá.

“Chúng tôi là sinh viên, là giáo viên, là người bán hàng…, chỉ có một số ít là cầu thủ. Chúng tôi biết sẽ rất khó khăn để chơi bóng với các đội tập luyện thường xuyên, nhưng thua trận thì ai cũng đều buồn cả”, Nour Jraes chia sẻ. Bản thân cô chỉ là một cầu thủ dự bị, nhưng khi được vào sân, cô luôn cố gắng hết sức để chạy, đuổi bóng, dù chẳng mấy khi có bóng.

Alhalabi ngồi sụp xuống sân sau trận đấu. Nhưng cô dường như quên hết mệt mỏi, buồn phiền khi nói về tổ quốc của mình. Ảnh: Quốc Bảo.

Đồng đội của Nour Jraes có lẽ cũng chẳng ai khá hơn cô là mấy. Có những người chậm đến nỗi quả bóng rời khỏi chân là không bao giờ đuổi kịp. Có những người yếu đến nỗi va chạm nhẹ là đã nằm vật ra sân. Có những người vô thức đến nỗi ngã xuống là tay vơ lấy bóng…

Người ta có thể bật cười khi xem các nữ cầu thủ Syria vần trái bóng. Nhưng người ta sẽ phải đằm lòng lại khi nghe họ tâm sự về sứ mệnh đá bóng của mình.

“Chúng tôi ở Oman, quả thực rất khó khăn để chơi bóng khi vẫn nghe thấy tiếng súng đạn bên tai. Chúng tôi biết rằng tại quê nhà, chiến tranh chưa chấm dứt. Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đến đây, ra sân để các bạn thấy rằng Syria vẫn còn đang sống”, tiền vệ Mirna Alhalabi trả lời phỏng vấn sau trận thua Việt Nam 0-11.

Đó là một trận đấu mà kết thúc 90 phút +2, nhiều cầu thủ Syria đã ngồi bệt xuống trước khi gắng gượng đứng dậy chào khán giả. Họ chỉ còn sức đi bộ trong hầu suốt hiệp 2.

Và dù có phải rơi những giọt nước mắt tức tưởi vì thua đậm, vì lực bất tòng tâm, vì chênh lệch trình độ, các cô gái Syria vẫn thực sự là những người hùng mang tên tổ quốc của họ trên vai.

* Sau 2 trận đầu tiên của bảng D, Syria chưa được điểm nào với 2 thất bại (0-1 trước Singapore và 0-11 trước Việt Nam).

Nguồn: zing.vn