Huấn luyện viên Mai Đức Chung: Hai thập kỷ trăn trở với bóng đá nữ Việt Nam

Năm 2017 là tròn 20 năm kể từ ngày đầu tiên HLV Mai Đức Chung bén duyên với bóng đá nữ Việt Nam. Hai thập kỷ trôi qua, sau nhiều lần ly hợp, trên cương vị HLV trưởng ĐT nữ Việt Nam ở thời điểm hiện tại, ông Chung không lúc nào thôi lo cho những cô gái đi đá bóng. Bởi nghiệp cầu thủ, với nam giới vốn dĩ đã nhiều khó khăn, thì với nữ còn vô vàn những điều trăn trở.

HLV Mai Đức Chung cùng ĐT nữ Việt Nam chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2018. Ảnh: H.Đ

Hai thập kỷ của ông “Chung gái”

Biệt danh “Chung gái” là cách gọi thân mật mà những đồng nghiệp, bạn bè và giới phóng viên dành cho HLV lão làng Mai Đức Chung. Bởi ở làng bóng Việt Nam, không ai hiểu và có kinh nghiệm làm bóng đá nữ như ông.

Cuộc bén duyên của ông Chung với bóng đá nữ bắt đầu từ năm 1997, khi được giao trọng trách dẫn dắt ĐT bóng đá nữ Việt Nam lần đầu tiên tham dự SEA Games trên đất Indonesia. Và ông cùng các cô gái Việt Nam đã mang về tấm HCĐ đầu tiên trong lịch sử bóng đá nữ. Dấu ấn của ông Chung với bóng đá nữ cũng bắt đầu từ đây. Sau đó, ông chuyển sang làm trợ lý cho các HLV Riedl, Dido ở ĐTQG nam.

Đến năm 2003, ông Chung lại tái hợp với bóng đá nữ để chuẩn bị cho kỳ SEA Games lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Đó là kỳ SEA Games viên mãn của bóng đá nữ Việt Nam khi các cô gái thế hệ Kim Chi, Văn Thị Thanh, Mai Lan… đã giành HCV xuất sắc sau khi thắng Myanmar 2-1 ở trận chung kết đầy cảm xúc. Đến năm 2005, tại SEA Games ở Philippines, ông Chung lại tiếp tục bay cao cùng ĐT nữ khi bảo vệ thành công tấm HCV đã giành được cách đó 2 năm.

Rồi ông Chung cũng chia tay bóng đá nữ để tìm cho mình những trải nghiệm trên cương vị trợ lý HLV trưởng ĐTVN, ĐT Olympic cũng như dẫn dắt các CLB tại V.League. Năm 2014, sau 9 năm chia tay, ông lại tái hợp với bóng đá nữ trên cương vị HLV trưởng thay thế HLV Trần Vân Phát. Trong lần trở lại này, ông Chung lại một lần nữa để lại dấu ấn khi đưa ĐT nữ Việt Nam lần đầu tiên vào bán kết Asiad 2014. Đây cũng là cuộc tái hợp ngắn ngủi nhất, năm 2015, ông chia tay ĐT nữ để dẫn dắt B.Bình Dương.

Sau khi cùng đội bóng đất Thủ đăng quang ở V.League 2015, ông Chung đã trở lại dẫn dắt ĐT nữ Việt Nam thay thế HLV người Nhật Bản Norimatsu Takashi. Trong lần tái hợp này, HLV Mai Đức Chung đã cùng ĐT nữ Việt Nam giành ngôi á quân tại giải vô địch Đông Nam Á 2016.

Và những điều trăn trở

Mục tiêu đầu tiên của HLV Mai Đức Chung và các cô gái Việt Nam là cố gắng vượt qua vòng loại Giải bóng đá nữ vô địch Châu Á 2018. Những ngày này, tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, ông Chung cùng các học trò vẫn miệt mài tập luyện dù không nhận được nhiều sự quan tâm của giới truyền thông cũng như người hâm mộ. Với ông Chung thì dường như điều đó cũng đã quá quen rồi, dù không ít lần ông trực tiếp kêu gọi mọi người hãy quan tâm hơn đến các cầu thủ nữ, đặc biệt là bóng đá nữ đang rất cần những Mạnh Thường Quân để ủng hộ các em nhiều hơn nữa.

Làm bóng đá đỉnh cao trong bối cảnh ngành thể thao nước nhà vẫn còn nhiều hạn chế đã khó khăn, làm bóng đá nữ còn khó khăn hơn. Ông Chung chia sẻ rằng, huấn luyện bóng đá nữ vất vả hơn vì đặc thù bóng đá cần sức mạnh, tốc độ, khéo léo mà thể hình của chúng ta lại hạn chế. Đó là còn chưa kể đến đời sống tinh thần, tâm sinh lý của các cầu thủ nữ là cả một vấn đề mà HLV cần có sự tinh tế. Và đó là lý do người ta hiểu vì sao cái cách ông Chung giao tiếp, ứng xử với những cầu thủ nữ gần gũi như những người thân của mình vậy.

Điều ông chung trăn trở suốt những năm tháng gắn bó với bóng đá nữ là chế độ cho các em còn thấp, không thể đảm bảo được điều kiện sống tốt. Chế độ của Nhà nước, Tổng cục TDTT và VFF cho đội nam, nữ như nhau, nhưng việc các nhà tài trợ không mặn mà khiến cho các học trò của ông Chung vì thế mà thiệt thòi nhiều. Ông tâm sự: “Nhìn các em, các cháu chăm chỉ tập luyện, ham thi đấu mà thương, bởi chế độ không có nhiều. Tôi vẫn mong muốn các cầu thủ được tăng thêm chế độ để yên tâm tập luyện, thi đấu, để bóng đá nữ có cơ hội phát triển hơn, rộng rãi hơn”.

Bây giờ, điều bận tâm nhất của ông Chung còn là việc tìm kiếm tài năng, ươm mầm cho tương lai ngày một khó khăn. Bởi bóng đá nữ vốn dĩ đã ít đội ở các địa phương, niềm đam mê của những em nhỏ cũng hạn chế, chưa kể việc nhiều gia đình không khuyến khích con gái mình theo nghiệp này. Vì vậy mà việc tuyển chọn cũng là vấn đề rất trăn trở của những người làm bóng đá nữ có tâm như ông Chung.

Hiện tại, ông Chung vẫn miệt mài với những “con gái, cháu gái” của mình. Ông nói rằng, còn sức khoẻ thì còn cống hiến cho bóng đá, chưa bao giờ tắt đam mê mà dừng lại. Còn những điều trăn trở của ông, có lẽ nó có từ lâu rồi, điều mà có lẽ cách đây 20 năm, kể từ ngày đầu tiên dẫn dắt ĐT nữ Việt Nam, ông đã lường trước được. Và nếu không có tình yêu, niềm đam mê và trách nhiệm với bóng đá nữ, chắc sẽ chẳng có những cuộc tái hợp duyên nợ như vậy.

Nguồn: laodong.com.vn

NHÀ TÀI TRỢ ĐỘI TUYỂN QUỐC GIA VIỆT NAM