Khai mạc Đại hội đại biểu LĐBĐVN lần thứ 5

Chủ tịch Mai Liêm Trực : SĐại hội LĐBĐVN lần thứ 5 sẽ là một mốc quan trọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sự phát triển của bóng đá nước nhà⬦⬝

01/06/2005 00:00:00
Phát biểu khai mạc của Chủ tịch Mai Liêm Trực tại Đại hội lần thứ 5 Liên đoàn Bóng đá Việt Nam

Chủ tịch Mai Liêm Trực
Kính thưa các vị khách quý,
Thưa Đại hội,

Hôm nay người hâm mộ bóng đá cả nước đang quan tâm theo dõi và mong mỏi Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lần thứ 5 sẽ là một mốc quan trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sự phát triển của bóng đá nước nhà. Trách nhiệm nặng nề đặt lên vai mỗi đại biểu chúng ta. Vì vậy, mỗi đại biểu với trí tuệ và trách nhiệm cao, với tinh thần đổi mới và thực sự dân chủ sẽ đóng góp vào thành công của Đại hội. Với tinh thần đó, thay mặt BCH và Ban trù bị Đại hội, tôi nhiệt liệt chào mừng và cám ơn các vị khách quý và toàn thể các đại biểu về dự Đại hội lần thứ 5 của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
Thưa Đại hội,
Với tinh thần SĐổi mới – Dân chủ – Trí tuệ – Trách nhiệm⬝, trong 5 tháng vừa qua Ban chấp hành LĐBĐVN đã có 4 kỳ họp để thảo luận những nội dung quan trọng và hình thành các văn kiện trình Đại hội, cũng như công tác tổ chức và nhân sự để Đại hội thảo luận và bầu Ban chấp hành và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của nhiệm kỳ 5.
Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ 4 do Phó chủ tịch Thường trực Trần Duy Ly trình bày sẽ đề cập đến những kết quả đã đạt được cũng như những thiếu sót, hạn chế, đặc biệt sẽ nêu lên những bài học cần rút ra để trên cơ sở đó xác định phương hướng nhiệm vụ, mục tiêu và các giải pháp lớn cho nhiệm kỳ 5.
Điều rõ ràng là Bóng đá Việt Nam và tổ chức Liên đoàn qua các nhiệm kỳ, kể cả

Sự tham gia của các doanh nghiệp tạo động lực cả về vốn và cơ chế quản lý

nhiệm kỳ 4 là chưa đáp ứng được mong mỏi của người hâm mộ, chưa tương xứng với tầm vóc của đất nước trên đà đổi mới, nhưng có thể khẳng định rằng trong 5 năm qua, Bóng đá Việt Nam đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình xã hội hoá và chuyên nghiệp hoá ở tầm Liên đoàn quốc gia cũng như các Câu lạc bộ và Liên đoàn địa phương. Tất cả các Câu lạc bộ chuyên nghiệp và một số Câu lạc bộ hạng Nhất có sự tham gia của các doanh nghiệp, tạo động lực cả về vốn và cơ chế quản lý nên có điều kiện trả lương cao cho các cầu thủ và huấn luyện viên so với trước đây. Sự tham gia của cầu thủ ngoại tuy có những vấn đề cần điều chỉnh, nhưng rõ ràng đã nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng các giải đấu. Sự say mê Strái bóng tròn⬝ của người hâm mộ Việt Nam, sự quan tâm của giới truyền thông và các nhà tài trợ cũng đã tạo điều kiện để thu hút nguồn lực tài chính cho cho hoạt động của Liên đoàn cũng như các Câu lạc bộ và Liên đoàn địa phương. Đặc biệt trong quan hệ quốc tế, bóng đá Việt Nam đã tạo được uy tín, có tiếng nói nhất định với AFF, AFC và FIFA và được sự giúp đỡ, tài trợ của quốc tế cả về cơ sở vật chất và đào tạo. Bóng đá cũng góp phần giới thiệu hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam ra khu vực và thế giới.

Thưa Đại hội,
Ban chấp hành nhiệm kỳ 4 tuy có thay đổi giữa chừng một số chức danh chủ chốt, nhưng trong suốt nhiệm kỳ là một tập thể đoàn kết. Trong bộ máy Điều hành, trong Thường trực, Thường vụ tuy nhiều lúc có những ý kiến khác nhau, thậm chí tranh luận gay gắt nhưng không có biểu hiện nặng nề về mất đoàn kết, về tranh giành quyền lực; quyền lợi; đã có những nỗ lực to lớn và tâm huyết đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ của Đại hội 4 và BCH giao cho.
BCH LĐBĐVN khoá IV
Tuy nhiên BCH cũng nhận thấy rằng hoạt động của nhiệm kỳ 4 chưa phát huy được sức mạnh của xã hội cả về trí lực và tài lực, do mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của nội bộ Liên đoàn cũng như mối quan hệ giữa Liên đoàn với tư cách là một tổ chức xã hội nghề nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước chưa chuyển biến kịp với sự phát triển của đất nước cũng như của bóng đá Việt Nam đang trên đà xã hội hoá và chuyên nghiệp hoá. Vì vậy, nội dung chủ yếu thứ 2 của Đại hội là đổi mới mạnh mẽ mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của Liên đoàn. Dự thảo điều lệ của Liên đoàn do Quyền Tổng thư ký Phan Anh Tú thay mặt Ban chấp hành trình ra Đại hội có những đổi mới cần thiết phù hợp với điều kiện hiện nay của Bóng đá Việt Nam cũng như từng bước hội nhập với yêu cầu của Liên đoàn Bóng đá quốc tế FIFA và Liên đoàn Bóng đá khu vực AFC. Ban chấp hành Liên đoàn khoá 5 trên cơ sở đó sẽ xây dựng Quy chế làm việc mới cũng như nêu những kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước, kể cả có thể có một Nghị định về hoạt động Bóng đá, như gợi ý của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải trong buổi báo cáo về Đề án cải tổ Liên đoàn mà tôi và Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái trực tiếp trình bày với Thủ tướng.
Dự thảo Điều lệ mới xác định có Đại hội nhiệm kỳ của Liên đoàn 4 năm một lần để quyết định những công việc lớn của một giai đoạn và bầu ra Ban chấp hành các các chức danh chủ chốt của Liên đoàn. Sẽ có Đại hội thường niên để đánh giá các mặt hoạt động của Liên đoàn trong năm và quyết định những vấn đề về nghiệp vụ và tài chính của Liên đoàn mà lâu nay do BCH hoặc Thường vụ, thậm chí do thường trực Liên đoàn quyết định như sửa đổi, bổ sung Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp, số lượng cầu thủ ngoại, số lượng các Câu lạc bộ ngoại hạng, hạng Nhất, hạng Nhì v.v⬦
Đại hội nhiệm kỳ bầu trực tiếp Chủ tịch, các Phó chủ tịch và Tổng thư ký cũng là một nội dung mới của Liên đoàn chúng ta. Tất cả những thay đổi đó nhằm phát huy dân chủ và quyền lực thật sự của Đại hội và trách nhiệm của các thành viên Liên đoàn. Điều lệ mới của Liên đoàn cũng quy định việc thiết lập một số tổ chức của Liên đoàn như Uỷ ban kiểm tra, Uỷ ban kỷ luật, Uỷ ban giải quyết tranh chấp khiếu nại và các Uỷ ban về chuyên môn, về Truyền thông – Đối ngoại, về Tài chính – Tiếp thị ở cấp quản lý giám sát của BCH, đồng thời xác định rõ bộ máy Điều hành hoạt động chuyên trách, chuyên nghiệp do Tổng thư ký đứng đầu. Điều lệ cũng bổ sung rất nhiều điều về quy trình, thủ tục đối với thành viên Liên đoàn và cách thức tổ chức Đại hội, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện cụ thể của Bóng đá Việt Nam giai đoạn tới.
Thưa Đại hội,
Nội dung chủ yếu thứ 3 trong chương trình nghị sự của Đại hội 5 là thảo luận cơ cấu, tiêu chí Uỷ viên BCH và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Liên đoàn để bầu ra những người xứng đáng gánh vác nhiệm vụ của nhiệm kỳ 5.
Một nội dung dung quan trọng mà Tiểu ban nhân sự và Ban trù bị Đại hội đã báo cáo ra BCH để thảo luận và quyết định là danh sách các đại biểu chính thức có quyền ứng cử, đề cử và quyền bầu cử ở Đại hội. Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, rõ ràng tuyệt đại đa số đại biểu chính thức phải là thành viên của tổ chức mình, của Liên đoàn, đó là các CLB, các Liên đoàn địa phương và Uỷ viên BCH đương nhiệm. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa sức mạnh của xã hội, BCH quyết định mời một số tổ chức, cơ quan có quan hệ quản lý và hoạt động bóng đá cũng như chủ các giải bóng đá trẻ cử đại biểu chính thức tham gia Đại hội. Ban trù bị Đại hội cũng xem xét đơn ứng cử với đề cương hoạt động của một số ứng cử viên để mời dự Đại hội, và có thể được Đại hội xem xét bầu vào BCH nhiệm kỳ mới.
Quang cảnh Đại hội đại biểu LĐBĐVN khoá V
BCH cũng đã xem xét và lấy phiếu tính nhiệm để giới thiệu một số đồng chí trong BCH có thể tham gia ứng cử tiếp ở nhiệm kỳ 5. Các Uỷ viên BCH trong phạm vi hoạt động của mình cũng đã giới thiệu nhiều đồng chí ngoài BCH nhiệm kỳ 4 để có thể báo cáo Đại hội tham khảo nếu Đại hội yêu cầu. Khó nhất trong quá trình chuẩn bị nhân sự cho Đại hội là các chức danh Chủ tịch và Phó chủ tịch Liên đoàn nhiệm kỳ 5. Theo truyền thống muốn có một cán bộ cao cấp của Nhà nước làm Chủ tịch Liên đoàn, UBTDTT và lãnh đạo Liên đoàn có mời một số vị tham gia ứng cử, nhưng đều không thành công. Điều đó, cùng với thực tiễn hoạt động của Liên đoàn lâu nay đã đi đến những nhận thức mới về tiêu chí các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Liên đoàn để trình ra Đại hội. Kỳ này UBTDTT không giới thiệu danh sách người của UBTDTT của Uỷ ban tham gia BCH cũng như không làm việc cụ thể với lãnh đạo Liên đoàn để chuẩn bị một danh sách chính thức do BCH trình ra Đại hội. UBTDTTvà Bộ nội vụ chỉ đạo chung là đảm bảo thực hiện dân chủ thực sự, tránh áp đặt, đảm bảo quyền lực tối cao và thực sự cho Đại hội của một tổ chức xã hội nghề nghiệp. Nguyên tắc đó là đúng, nhưng cũng có khó khăn cho Tiểu ban nhân sự và đòi hỏi phải có nhận thức mới trong quá trình chuyển đổi và đặt ra trách nhiệm rất lớn cho mỗi đại biểu của Đại hội chúng ta. Tôi tin tưởng rằng tại Đại hội, nhiều đồng chí sẽ ứng cử và đề cử những người xứng đáng và Đại hội sẽ bầu được một BCH và những vị trí lãnh đạo chủ chốt có tâm, có tầm, đủ sức gánh vác trách nhiệm của Liên đoàn trong giai đoạn phát triển mới của Bóng đá Việt Nam.
Thưa Đại hội,
Trong quá trình chuẩn bị Đại hội, Ban trù bị và các Tiểu ban cũng như BCH đã nhận được sự chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và của cơ quan quản lý như UBTDTT, Bộ Nội Vụ, Ban Khoa giáo TW, Ban Tư tưởng Văn hoá TW và các Bộ ngành hữu quan. Chúng tôi cũng nhận được rất nhiều góp ý của người hâm mộ, đặc biệt là các phương tiện truyền thông. Thay mặt BCH tôi xin chân thành cảm ơn sự chỉ đạo và đóng góp quý báu đó.
BCH và  Ban trù bị Đại hội cùng các Tiểu ban và bộ máy Điều hành của Liên đoàn đã nỗ lực hết mình, vừa giải quyết những công việc thường xuyên như các giải đấu, tập trung và thi đấu của Đội tuyển quốc gia, vừa phải tập trung nỗ lực chuẩn bị Đại hội. Nhiều đồng chí không ứng cử nhiệm kỳ tới hoặc không tiếp tục làm việc tại bộ máy Điều hành của Liên đoàn nhưng đã cố gắng hết mình chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội. Tuy nhiên, do những hạn chế về thời gian cũng như năng lực của mình, chắc chắn vẫn còn có những thiếu sót.
Đại hội chúng ta tổ chức trong 02 ngày với một khối lượng công việc rất lớn, rất nhiều nội dung có sự đổi mới nên đòi hỏi mỗi đại biểu chúng ta với tinh thần SĐổi mới – Dân chủ – Trí tuệ – Trách nhiệm⬝sẽ chuẩn bị ý kiến kỹ càng, phát biểu thảo luận ngắn gọn, đi thẳng vào những nội dung thiết thực, đóng góp vào thành công của Đại hội.
Một lần nữa thay mặt BCH tôi nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn các vị khách quý và toàn thể các đồng chí đại biểu về dự Đại hội.
Xin chúc Đại hội lần thứ 5 Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thành công tốt đẹp.