Đồng hành cùng ĐTVN tại AFF Suzuki Cup 2016: Luận bàn về thất bại của ĐTVN sau trận BK lượt đi AFF Cup 2016

Hành trình chinh phục AFF Suzuki Cup 2016 của ĐTVN trở nên chông gai hơn bao giờ hết khi chúng ta thất thủ 1-2 trước Indonesia trong trận BK lượt đi. Giấc mơ lần thứ ba được góp mặt ở trận CK giải đấu lớn nhất khu vực sẽ phải đợi ít ngày nữa, nhưng ngay lúc này dư âm về trận đấu trên SVĐ Pakansari vẫn còn đọng lại và được nhắc tới trong những ngày qua.

Thất bại trong một trận đánh không có nghĩa thất bại cả cuộc chiến. Thất bại trong một trận cầu không có nghĩa thất bại cả giải đấu. Mà luận về thất bại, người viết chợt nhớ đến nhân vật Tào Tháo trong tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa. Sau trận đại bại Xích Bích, Tào Tháo luận rằng “Thắng bại là chuyện thường của nhà binh. Người làm tướng nếu như không trải qua vài lần thất bại làm sao mà biết được làm thế nào để chiến thắng? Trên thế gian này chưa bao giờ có một tướng nào trăm trận trăm thắng, chỉ có bại mà không nản, càng bại càng dũng cảm cho đến cuối cùng là người giành chiến thắng…Thất bại là một chuyện tốt. Thất bại có thể dạy cho chúng ta làm sao có thể thành công? Thất bại có thể dạy chúng ta biết làm sao để chiến thắng? Thất bại có thể dạy cho chúng ta biết làm sao đoạt thiên hạ?”. Đúng vậy, “thất bại” nghe có vẻ nặng nề, sầu não nhưng thất bại trước một đột bóng mà 17 năm qua, ĐTVN chưa từng đánh bại họ ở một giải đấu chính thức (Lần cuối cùng chúng ta giành chiến thắng trước Indonesia tại SEA Games 20 năm 1999 sau cú vô lê xuất thần của cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn. Tính rộng ra, VN chưa từng thắng Indonesia ở đấu trường AFF Cup kể từ năm 1996) không có gì ghê gớm, xấu hổ hay ủy mị. Dù chúng ta chưa bao giờ coi đây là đối thủ lớn nhất khu vực nhưng thực tế ĐTVN luôn gặp vô vàn khó khăn trước đối thủ này.

Đã có rất nhiều chỉ trích hướng về HLV họ Nguyễn khi ông bố trí một đội hình được cho là không hợp lý. Thực tế thì chiến lược gia gốc Hà Tĩnh đã tiên liệu về một trận đấu khó khăn trên sân khách nên đã bố trí một đội hình gồm nhiều cầu thủ kinh nghiệm, tranh chấp tốt, không ngại va chạm. Đây không phải lần đầu tiên Hữu Thắng sử dụng đấu pháp này ở AFF Cup 2016. Còn nhớ, ở lượt trận thứ hai vòng bảng với Malaysia, thi đấu dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt, với một đối thủ chơi rắn thì việc đưa những cầu thủ có thể lực tốt như Âu Văn Hoàn, Trọng Hoàng… vào sân là cần thiết để phá sức đối phương. Sau đó, sẽ tung những cầu thủ có kỹ thuật cá nhân tốt, đi bóng lắt léo, tạo đột biến cao như Công Phượng, Văn Toàn… vào sân để thi triển lối chơi phối hợp nhóm nhỏ, nhuyễn của riêng mình.

Cần phải nói thêm rằng, mặc dù Văn Toàn có phong độ cao nhưng với thân hình khá mỏng cơm, khả năng hỗ trợ phòng ngự còn hạn chế, cộng với việc Công Phượng không có cảm giác bóng tốt lúc này nên trong một trận đấu mang tính chất knockout đòi hỏi sự thận trọng, quyết định của Hữu Thắng cũng là điều dễ hiểu.

Thực tế những con tính của HLV Hữu Thắng chịu sự ảnh hưởng ít nhiều về điều kiện sân bãi khi chúng ta phải thi đấu dưới mặt sân “lầy lội” và chịu sức ép khủng khiếp từ hơn ba vạn khán giả nhà. Nếu để tìm ra một điều để tiếc nuối thì có chăng việc HLV Hữu Thắng thay đổi nhân sự hơi muộn màng. Phải chăng ông quá tin vào lựa chọn của mình hay ông đã tìm ra cách để đánh bại đối thủ khi về sân nhà!? Đem cái thắc mắc ấy hỏi HLV Hữu Thắng chắc sẽ có câu trả lời thỏa đáng.

Chúng ta đã có thể giành kết quả tốt hơn nhưng rốt cuộc, Indonesia mới là đội giành chiến thắng. Bóng đá cũng tương tự những việc trong cuộc sống vậy, không phải lúc nào chúng ta cũng có được điều mình muốn, đôi khi phải học cách chấp nhận. Dẫu sao với một bàn lận lưng làm vốn, ĐTVN vẫn tràn trề cơ hội chơi trận CK (chúng ta cần ghi ít nhất 1 bàn và không bị thủng lưới hoặc thắng Indonesia 2 bàn cách biệt) với luật bàn thắng trên sân khách.

Xin nhấn mạnh rằng, cuộc chơi vẫn chưa kết thúc, vẫn còn 90 phút ở Mỹ Đình, cuộc so găng sắp tới sẽ quyết định ai là người xứng đáng đi tiếp. Điều quan trọng nhất lúc này là chúng ta cần nhanh chóng ổn định tâm lý, lấy lại trạng thái thăng bằng. Hữu Thắng – người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng VN, với “chiếc đũa” (baton) trên tay tạo nên những giai điệu say đắm lòng người và NHM kỳ vọng người nhạc công ấy sẽ trình diễn một bản nhạc khác vào tối 7/12.

Một cuốn sách hay xem đến trang cuối cùng tuy cái kết không giống như mình đã nghĩ, khó tránh khỏi có chút thất vọng. Nhưng sách hay vẫn là sách hay, nhìn ở một góc độ khác cũng cảm nhận được thi vị bất tận của nó. Có thể chúng ta thất vọng với màn trình diễn vừa qua của đội tuyển nhưng hơn lúc nào hết, họ cần những lời động viên để tiếp thêm sức mạnh cho chặng đường sắp tới. Nào, hãy biến SVĐ Mỹ Đình thành chảo lửa, thành bệ phóng cho các tuyển thủ thăng hoa!

TÁC GIẢ: NGUYỄN MINH QUỐC

ĐỊA CHỈ: DIÊN BÌNH – DIÊN KHÁNH – KHÁNH HÒA

>>>THỂ LỆ CUỘC THI “ĐỒNG HÀNH CÙNG ĐTVN TẠI AFF SUZUKI CUP 2016”