Tết Việt với cầu thủ ngoại

Ngày Tết Việt Nam là trải nghiệm gì đấy rất khác lạ đối với những cầu thủ hoặc HLV gốc ngoại. Với những ai từng một lần được hưởng hương vị Tết Việt, họ sẽ muốn lưu lại nó. Còn với những người chưa hề biết, họ sẽ mong muốn có được lần trải nghiệm đầu tiên.

Vui nhất và lạ nhất với Tết Việt có lẽ là anh chàng Ideguchi (người Nhật), tân binh của CLB HA Gia Lai. Đây là cầu thủ đến với đội bóng phố núi theo diện trao đổi từ CLB Yokohama FC, sau khi đội bóng của Nhật Bản ký hợp đồng với tiền vệ Tuấn Anh, từ chính HA Gia Lai.

Tết Nguyên Đán không phải là điều lạ với người Nhật Bản, vì người Nhật cũng đón Tết cổ truyền theo lịch của mặt trăng tương tự như người Việt. Nhưng vài năm trở lại đây, Tết Nguyên Đán với người Nhật không còn quá rộn rã, cũng không có những kỳ nghỉ kéo dài quá lâu như người Việt.

Với bóng đá Nhật, họ cũng đã dần bỏ những quãng nghỉ tương đối dài ngày trong dịp Tết Nguyên Đán, thế nên Tết năm nay trong màu áo CLB HA Gia Lai chính là cái Tết đầu tiên mà Ideguchi có một quãng nghỉ dài như thế từ khi đá bóng chuyên nghiệp.

Anh chàng người Nhật này còn vui hơn khi được các đồng đội ở đội phố núi thông báo sẽ mời anh về nhà họ chúc Tết, cũng như mừng tuổi nhau theo đúng phong tục của người Việt.

Ideguchi cho biết trong những ngày nghỉ Tết sắp tới, dù không phải tập trung cùng đội bóng, những anh vẫn sẽ luyện tập hàng ngày, hòng giữ sức cho V-League sắp khởi tranh, cũng như không quá chén, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và vóc dáng.

Khác với Ideguchi, Tết Việt nhiều năm nay đã trở thành quen thuộc với một vài chàng rể Việt Nam như Huỳnh Kesley Alves, Đinh Hoàng Max (tức Maxwell – gốc Brazil), hoặc Hoàng Vissai (tức Dio Preye – gốc Nigeria). Họ đã sinh sống ở Việt Nam rất nhiều năm, có vợ là người Việt, nên những phong tục tập quán của các gia đình Việt trong những ngày Tết đến Xuân về họ đều nắm rõ.

Những ngày Tết với họ là những ngày sum vầy bên gia đình, theo đúng tính cách hướng nội của dân Việt Nam, là những ngày mà họ trang trí trong những những nhành mai, cành đào, để lì xì cho con cháu, cũng như nhận những lời chúc Tết từ họ hàng.

Còn với CLB bóng đá Long An, họ luôn muốn xây dựng đội bóng theo không khí của một gia đình, ấm áp và bền chặt. Trước Tết, Long An tổ chức trao quà từ thiện cho các hoàn cảnh khó khăn – một hoạt động vẫn thường có ở Việt Nam nhân dịp Xuân về, các cầu thủ ngoại hoặc gốc ngoại của đội bóng miền Tây Nam bộ gồm Franklin và Lê Văn Tân (tức Jonathan) cũng tham gia hoạt động này, như một cách để lãnh đạo đội bóng hướng họ đến các hoạt động vì cộng đồng.

Còn trong những ngày Tết, với những cầu thủ ngoại và gốc ngoại không về nước, đội sẽ đặt khách sạn cho họ ở TPHCM, để họ thăm thú và chơi Tết, kèm theo những phần quà nho nhỏ là các phong bao lì xì, gọi là mừng tuổi.

Mỗi đội và mỗi cầu thủ có thể có một cách riêng để trải nghiệm Tết Việt, nhưng tựu chung đây là những ngày độc đáo nhất mà cầu thủ ngoại hoặc gốc ngoại có thể tìm đến, thông qua đó khám phá những nét đa dạng về văn hóa và tín ngưỡng của người Việt.

Tiền vệ người Nhật Ideguchi (giữa) sẽ có cái Tết Việt đầu tiên trong mùa đầu khoác áo HA Gia Lai

Nguồn: dantri.com.vn