Bác sỹ Nguyễn Nguyên Tuấn (SHB Đà Nẵng): Theo nghiệp bác sỹ thể thao vì đam mê bóng đá

Không được đào tạo chuyên sâu về y học thể thao nhưng sau khi tốt nghiệp, ông Nguyễn Nguyên Tuấn vẫn quyết định theo đuổi nghề bác sỹ thể thao. Lý giải điều này, vị bác sỹ sinh năm 1968 của đội SHB Đà Nẵng cho biết, niềm đam mê bóng đá chính là động lực lớn nhất để ông không ngừng học hỏi, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ của một bác sỹ thể thao để phục vụ đội  bóng quê nhà.

Bác sỹ Nguyễn Nguyên Tuấn phụ trách chăm sóc đội SHB Đà Nẵng. Ảnh: Tuệ Chính
 
Nhà ông Tuấn ở cạnh sân vận động Chi Lăng, nên từ bé ông rất mê bóng đá. Mỗi lần có trận đấu của đội bóng tỉnh Quảng Đà, ông luôn đến theo dõi và tham gia cổ vũ. Chính vì niềm đam mê trái bóng, nên khi trở thành sinh viên ngành y, ông thường xuyên tham gia đội bóng đá nam của trường.
 
Sau khi tốt nghiệp ngành y khoa, ông về công tác tại ngành y tế tỉnh Quảng Đà. Một thời gian sau, nhận thông tin đội bóng đá nam của tỉnh cần tuyển bác sỹ để chăm sóc sức khỏe cho các cầu thủ, ông đã nộp đơn và được chấp thuận.
 
Chuyển qua làm công việc của một bác sỹ thể thao, ông Tuấn đã phải tự mày mò học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ các bác sỹ đi trước, cũng như các tài liệu sách vở. Nhớ lại ngày đó, ông Tuấn cho biết: “Do không được đào tạo chuyên sâu về y học thể thao nên lúc đầu tôi gặp không ít khó khăn, nhưng qua thời gian, kinh nghiệm được bồi đắp công việc trở nên thuận lợi hơn. Ngày đó, bóng đá còn bao cấp,  nên chế độ lương bổng của tôi cũng giống như các công chức Nhà nước bình thường, phải chắt bóp trong chi tiêu mới có thể trang trải được cuộc sống.
 
Trải qua 21 năm gắn bó với bóng đá Đà Nẵng, tôi nhận thấy mọi thứ đổi thay nhiều theo chiều hướng tốt đẹp. Bóng đá chuyển mình lên chuyên nghiệp, chế độ lương thưởng cho cầu thủ cũng như đội ngũ BHL, y bác sỹ được đảm bảo khiến tôi cảm thấy khá hài lòng.
 
Công việc của bác sỹ đội bóng cũng thuận lợi hơn khi mỗi lần đưa cầu thủ đến các bệnh viện để khám hoặc điều trị luôn được đội ngũ nhân viên y tế, bác sỹ ở đây dành sự quan tâm, hỗ trợ rất nhiệt tình”.
 
Dẫu thế, theo bác sỹ Tuấn, vì ngành y học thể thao Việt Nam chưa thật sự phát triển, các đội bóng của Việt Nam kinh phí còn eo hẹp, nên đội ngũ y bác sỹ công tác trong môi trường này cũng không thể tránh khỏi các khó khăn về trang thiết bị kỹ thuật, về số lượng y bác sỹ… Thực tế là nhiều đội bóng V-League hiện nay thậm chí chưa có bác sỹ chính thức theo đội, hoặc  chỉ có một người đảm nhận công việc này nên dẫn đến không xuể.
 
Bác sỹ phụ trách đội bóng SHB Đà Nẵng tiết lộ thêm, do trình độ y học thể thao và đội ngũ y bác sỹ thể thao của các đội bóng V-League không thật sự đạt chuẩn nên hàng năm VFF thường tổ chức các lớp bồi dưỡng để nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn. Tuy nhiên, với trình độ của mình, hầu hết các bác sỹ thể thao ở các đội bóng Việt Nam chỉ có thể đáp ứng được những điều cơ bản trong việc sơ cứu, điều trị các chấn thương nhẹ.
Nguồn: TTVH